Hiện tại, EU và nhiều quốc gia đã cho phép bay quốc tế không áp dụng cách ly đối với khách đã có hộ chiếu vaccine. Ảnh: euronews.com.

 
Cẩm Tú Thứ Hai | 12/07/2021 15:00

Thận trọng với hộ chiếu vaccine

Hiện chưa có đủ cơ sở bảo đảm rằng người mang hộ chiếu vaccine ngừa COVID-19 sẽ không lây nhiễm cộng đồng.

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine để đón khách quốc tế đến Phú Quốc. Nhiều doanh nghiệp du lịch đánh giá thông tin này mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường, nhưng cũng lưu ý nên thận trọng và cần lộ trình cụ thể. Để từng bước mở cửa kết nối lại giao thương với các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang kiến nghị được thí điểm đón khách du lịch Nga đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đến Phú Quốc nghỉ dưỡng.

Việc thí điểm được thực hiện theo mô hình “Du lịch cách ly khép kín”, thông qua các chuyến bay thuê bao, nghỉ tại một địa điểm, hạn chế di chuyển. Sau đó sẽ tiến hành đánh giá và cho phép mở rộng đón khách du lịch từ các nước đã hoàn thành tiêm chủng vaccine.

 

Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống trên đảo và nhân viên phục vụ tại các khu, điểm du lịch, Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho toàn bộ người dân ở Phú Quốc, dự kiến nhu cầu vaccine trong năm 2021 là 220.000 liều. Thời gian triển khai kế hoạch dự kiến trong 16-18 tuần ngay khi có vaccine về.

Lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành ở TP.HCM khuyến cáo, cần kiên nhẫn chờ đợi dịch bệnh thực sự được kiểm soát tốt, sau đó hãy triển khai thí điểm hộ chiếu vaccine.

Vị này phân tích, qua nhiều đợt dịch cho thấy, mỗi khi doanh nghiệp hào hứng đưa khách đến các điểm du lịch thì dịch lại bùng lên. Chưa kể, cái nôi của ngành du lịch vẫn tập trung ở TP.HCM, nên muốn ngành du lịch phát triển vững vàng, ngành du lịch ở TP.HCM phải “khỏe”. Sau đó mới tính đến việc đưa khách đến Phú Quốc và các địa phương khác trên cả nước.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Saigontourist, cho biết một số trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 nhưng vẫn mắc bệnh. Điều này cho thấy người đã có hộ chiếu vaccine vẫn có khả năng lây nhiễm cho cộng đồng. Mặt khác, nếu thí điểm cho du khách quốc tế đã tiêm vaccine đến Phú Quốc được đi lại tự do, thì người mang hộ chiếu vaccine phải chứng minh hộ chiếu hợp lệ, nhưng quy định thế nào là hợp lệ lại chưa được công bố.

Ảnh:
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine để đón khách quốc tế đến Phú Quốc. Ảnh: TL.

Hiện tại, EU và nhiều quốc gia đã cho phép bay quốc tế không áp dụng cách ly đối với khách đã có hộ chiếu vaccine. Ngay sau EU, Nhật chuẩn bị phát hành hộ chiếu vaccine. Dự kiến, chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 của Nhật sẽ được phát hành vào mùa hè này, tiếp đó là giấy chứng nhận phiên bản điện tử (có thể dùng qua ứng dụng điện thoại) vào cuối năm nay.

Tại Thái Lan, từ ngày 1.7, du khách quốc tế tiêm vaccine được chào đón tại Phuket. Dù khách đến đây vẫn phải thực hiện kiểm dịch, nhưng thời gian được rút ngắn còn 1 tuần. Trong khi đó, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ vừa nới lỏng cảnh báo đi lại với hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Hộ chiếu vaccine COVID-19 ngày nay có thể được áp dụng dưới dạng kỹ thuật số, tiện lợi và khó làm giả hơn, cung cấp thông tin xác thực để chứng minh một người đã tiêm đủ số mũi vaccine phòng, chống COVID-19 theo quy định. Nó có thể ở dạng giấy chứng nhận hoặc dạng thẻ, app công nghệ…

Tuy có thể đem đến cơ hội phục hồi kinh tế, nhưng trên thực tế, phần lớn các quốc gia vẫn còn e dè với hộ chiếu vaccine. Sáng kiến này cũng chưa nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và số đông người dân ở nhiều nước. Người phát ngôn của WHO Margaret Harris khẳng định, ở thời điểm hiện tại, WHO không muốn coi việc tiêm vaccine hoặc hộ chiếu vaccine là yêu cầu để xuất nhập cảnh bởi chưa có đủ cơ sở dữ liệu để bảo đảm chắc chắn về hiệu quả ngăn ngừa lây truyền COVID-19 của vaccine hiện hành. Bên cạnh đó, với thực tế là có nhiều người không thể tiêm chủng vaccine COVID-19 vì những lý do khác nhau nên việc áp dụng hộ chiếu vaccine sẽ tạo sự phân biệt đối xử.

 

Mặt khác, hiện chưa có sự thống nhất ở phạm vi quốc tế về những tiêu chuẩn đối với hộ chiếu vaccine. Và liệu chính phủ các nước có chấp nhận khách quốc tế được tiêm loại vaccine chưa được chính phủ nước đó phê duyệt? Lấy ví dụ, chương trình tiêm vaccine tại châu Âu hiện chủ yếu sử dụng vaccine của Pfizer/ BioNTech.

Trong khi đó, Trung Quốc thông báo sẽ chỉ cho phép người nước ngoài nhập cảnh nếu họ tiêm vaccine của Trung Quốc. Hay vaccine AstraZeneca đang được sử dụng ở 86 quốc gia, nhưng chưa được phê chuẩn ở Mỹ… Nhìn tổng thể, hộ chiếu vaccine chỉ có thể phát huy tối đa công dụng khi được cấp phát trong quá trình hợp tác giữa các quốc gia, cùng chia sẻ bình đẳng nguồn vaccine cũng như thống nhất về các tiêu chí áp dụng.

Thêm vào đó, những quy trình kiểm dịch cần được tiến hành hài hòa giữa các quốc gia. Và điều quan trọng nữa là các quốc gia cần áp dụng giải pháp về công nghệ để theo dõi chính xác sự di chuyển của người dân, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, đồng thời cho phép trao đổi thông tin giữa các quốc gia