Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng NIM sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm thêm trong khi lãi suất huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng. Ảnh: TL.

 
Nhật Anh Thứ Tư | 26/06/2024 11:46

Thận trọng với chất lượng tài sản của ngân hàng

Theo MBS tỉ lệ nợ xấu (NPL) tăng và tỉ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm là xu hướng chung toàn ngành.

Quý I/2024, tỉ suất lợi nhuận thuần từ lãi vay (NIM) của toàn ngành có sự cải thiện khi mức độ giảm chậm lại so với quý trước, thậm chí ghi nhận mức tăng trở lại ở một số ngân hàng. 

Dữ liệu từ Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho thấy các ngân hàng có tín dụng được dẫn dắt bởi nhóm khách hàng doanh nghiệp như TCB, HDB, LPB có mức NIM cải thiện tương đối tích cực, trong khi các ngân hàng quốc doanh với vai trò đi đầu hạ lãi suất để hỗ trợ kinh tế, các ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ bị ảnh hưởng tăng trưởng trong quý I sẽ có NIM cải thiện với tốc độ chậm hơn.

 

Ở góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng NIM sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay dự báo giảm thêm trong khi lãi suất huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng trong quý II dự báo khả quan hơn so với quý I nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, do đó nhìn chung thu nhập lãi thuần vẫn chưa thể tăng mạnh. 

Thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối với chứng khoán dự báo không có mức tăng trưởng cao khi tình hình thị trường càng lúc càng khó khăn. Chi phí trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục tăng khi nợ xấu có dấu hiệu tăng lại trong quý II này. 

 

Theo MBS tỉ lệ nợ xấu (NPL) tăng và tỉ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm là xu hướng chung toàn ngành. Nhìn chung lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng không cao, mức tăng nổi bật ở một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt như LPB, VPB, HDB; một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng âm do lợi nhuận sau thuế cùng kỳ năm 2023 ở mức cao như STB, BID. 

Về vấn đề nợ xấu, KBSV cho biết để giảm bớt áp lực nợ xấu trong quý I, các ngân hàng vẫn đẩy mạnh sử dụng nguồn trích lập trước đó để xử lý nợ xấu khỏi bảng cân đối. Các ngân hàng vẫn đang sử dụng nguồn trích lập lớn trong giai đoạn trước để cải thiện chất lượng tài sản trong giai đoạn này, nhưng cũng là thách thức cho các ngân hàng khi bộ đệm dự phòng mỏng đi, đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ phải trích lập nhiều hơn trong tương lai. 

“Chúng tôi thận trọng với chất lượng tài sản của toàn ngành khi kinh tế vẫn cần thêm thời gian hồi phục, cũng như các chính sách cần thêm thời gian để phát huy hết vai trò. Dù vậy, tính hình nợ xấu sẽ được cải thiện hơn so với năm 2023 nhờ Thông tư 02 dự kiến được gia hạn đến hết năm 2024; chính sách hỗ trợ của các ngân hàng thông qua lãi suất; tháo gỡ những vấn đề pháp lý để các doanh nghiệp tiếp tục triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh - sản xuất”, KBSV nhận định.

Có thể bạn quan tâm 

Vàng ơi, mở cửa ra!