Thận trọng khi phát hành trái phiếu Chính phủ
Trái phiếu Chính phủ làm gì?
Theo Chính phủ, phương án phân bổ nguồn vốn sẽ tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tăng cường huy động vốn đầu tư xã hội, trọng tâm là tăng cường giải ngân nguồn vốn ODA.
Ngoài ra, nguồn vốn này còn sử dụng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhưng chưa được bố trí đủ vốn. Cụ thể, sẽ dành 61,68 nghìn tỷ đồng đầu tư dự án quốc lộ 1A và quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên); 73,32 nghìn tỷ đồng bổ sung vốn cho các dự án đang đầu tư dở dang giai đoạn 2011-2015; 20 nghìn tỷ đồng vốn đối ứng; 15 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới.
Chính phủ khẳng định, với việc phát hành bổ sung thêm 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, dư nợ công, dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2015 cũng như cuối 2016 vẫn bảo đảm an toàn.
Cần thận trọng!
Thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho thấy, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành về cả số tiền và phương án phân bổ nguồn vốn. Tuy nhiên, khi thảo luận chi tiết tại tổ, nhiều đại biểu lại rất băn khoăn trước đề nghị của Chính phủ.
Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng, 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014- 2016 có thể dẫn đến nhiều vấn đề. Trước hết, dòng tiền tập trung cho xây dựng cơ bản chứ không phải cho sản xuất. Về phương án trả nợ, với phương án phát hành bổ sung, dù nợ công chưa vượt giới hạn được Quốc hội cho phép, nhưng trên thực tế, khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn.
Với phương án phân bổ vốn, hầu hết các đại biểu chỉ đồng tình với việc sử dụng 61.680 tỷ đồng đầu tư cho quốc lộ 1A và quốc lộ 14 vì đây là hai công trình trọng điểm, là “huyết mạch” của đất nước và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Còn với các danh mục chi khác, nhiều đại biểu nêu câu hỏi: 73.000 tỷ đồng để bù vào phần thiếu hụt của các công trình trọng điểm quốc gia, nhưng đó là những công trình nào? 20.000 tỷ đồng là vốn đối ứng vốn ODA và 15.000 tỷ đồng đầu tư cho giao thông nông thôn cũng chỉ nói chung chung.
Nguồn Báo Công thương