Thân phận Mobifone: đi không nỡ, ở không được!
“Đề án tái cơ cấu VNPT đã xong, chờ Chính phủ phê duyệt, dự kiến là trong quý 1 năm nay”, ông Bùi Quốc Việt, giám đốc trung tâm Thông tin và quan hệ công chúng của VNPT, cho biết. Nhưng liệu lần này, việc tách Mobifone khỏi VNPT có được thực hiện để hình thành thị trường viễn thông cạnh tranh hơn.
Để “hình thành thị trường viễn thông có từ 3 – 4 tập đoàn, tổng công ty mạnh, phát triển bền vững… theo đúng Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt…”, phải tái cơ cấu VNPT. Bộ Thông tin và truyền thông đang phải làm một việc hết sức khó khăn, đó là tách Mobifone hoặc Vinaphone ra khỏi VNPT.
Thương hiệu hấp dẫn
Mobifone luôn là thành viên đóng góp doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho tập đoàn VNPT |
Qua phân tích thế mạnh và yếu của từng phương án, Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng, phương án tách Mobifone ra khỏi VNPT (sẽ trực thuộc bộ Thông tin và truyền thông) là phương án tốt nhất và cũng là phương án bộ lựa chọn vì nhà mạng này có nhiều kinh nghiệm tổ chức kinh doanh, là thương hiệu mạnh trong làng viễn thông Việt Nam và khu vực. Nếu cổ phần hoá, Mobifone cũng là thương hiệu có giá trị nhất, hấp dẫn các nhà đầu tư nhất trong các công ty thành viên của VNPT.
Năm 2005, kể từ khi kết thúc mối “lương duyên” với Comvik (Thuỵ Điển) cho đến nay, Mobifone luôn là thành viên đóng góp doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho tập đoàn VNPT. Có lẽ do vậy, từ năm 2005, qua bao đời lãnh đạo tập đoàn này, dù nhận được nhiều yêu cầu từ những cấp cao hơn về việc tiến hành cổ phần hoá nhưng với nhiều lý do khác nhau, Mobifone vẫn ở lại VNPT để tiếp tục “đẻ trứng vàng”.
Trong đề án tái cơ cấu lần này (theo tờ trình số 55 ngày 27.9.2013 của bộ Thông tin và truyền thông gởi Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu VNPT), bộ Thông tin và truyền thông đã có một quyết định cương quyết hơn, là phải tách Mobifone ra khỏi VNPT.
Gánh nặng lỗ “tròng vào cổ”
Nếu tách Mobifone ra khỏi VNPT, vật cản chính là VNPT đã “tròng vào cổ” Mobifone hàng loạt doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả, nhất là những doanh nghiệp trong ngành mà VNPT đã đầu tư.
Theo tờ trình số 14697 của bộ Tài chính ký ngày 29.10.2013, trong 62 công ty mà VNPT dự kiến chuyển phần vốn góp, trong năm 2012 đã có nhiều doanh nghiệp lỗ. Gánh nặng nhất là công ty Tài chính bưu điện trong năm 2012 lỗ 635 tỉ đồng, còn hệ thống vệ tinh Vinasat 1 và 2 cũng trong năm này lỗ 411 tỉ đồng, chưa kể chi phí vận hành!
Cũng theo ý kiến của bộ Tài chính, việc chuyển giao vệ tinh Vinasat 1 và 2 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động cho hạ tầng mạng quốc gia nói chung, hoạt động doanh thu của Mobifone nói riêng vì hai vệ tinh này không chỉ kinh doanh mà còn đảm nhận vai trò phục vụ an ninh quốc phòng cho quốc gia.
Từ những phân tích trên, đại diện bộ Tài chính cho rằng: “Mobifone cần tiếp tục duy trì là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn của VNPT và tiếp tục thực hiện cổ phần hoá theo những quyết định trước đây khi còn là bộ Bưu chính viễn thông”.
Câu rê?
Một chuyên gia về viễn thông (đề nghị không nêu tên) cho biết, thông điệp trên của Bộ Tài chính “rất mơ hồ, thiếu sức thuyết phục”. Vị chuyên gia này cho rằng, để cổ phần hoá Mobifone phải tốn nhiều thời gian.
Cần nói thêm, từ những năm 2007, thực hiện chủ trương cổ phần hoá Mobifone, VNPT đã xác định giá trị doanh nghiệp này nhưng các bước tiếp theo chưa thể thực hiện vì chưa quyết định được giá trị doanh nghiệp và chưa lựa chọn đối tác chiến lược. “Nếu ý kiến của bộ Tài chính được thông qua, Mobifone phải làm lại những công việc mà bảy năm trước đã làm. Tốn công sức, tốn tiền của”, vị chuyên gia nhận định.
Trống đánh xuôi kèn thổi ngược “Tách Mobifone ra khỏi VNPT (chuyển quyền quản lý về bộ Thông tin và truyền thông) là phương án tốt nhất vì nhà mạng này có nhiều kinh nghiệm tổ chức kinh doanh, là thương hiệu mạnh trong làng viễn thông Việt Nam và khu vực” (bộ Thông tin và truyền thông). “Mobifone cần tiếp tục duy trì là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn của VNPT và tiếp tục thực hiện cổ phần hoá theo những quyết định trước đây”. |