Thứ Bảy | 14/02/2015 09:45

Tham vọng khí đá phiến của Trung Quốc: Tăng 23 lần sản lượng trong 5 năm

Thiếu nước đang là trở ngại lớn.

Cuộc cách mạng nứt vỡ thủy lực tại Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu khi nước này cố gắng sao chép sự bùng nổ sản lượng khí đá phiến của Mỹ trong một nỗ lực kiềm chế ô nhiễm và đáp ứng nhu cầu năng lượng đang ngày một tăng.

Đến năm 2020, Trung Quốc – nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới – đặt mục tiêu sản xuất 30 tỷ m3 khí đá phiến mỗi năm, tăng từ 1,3 tỷ m3 hiện tại, Chen Weidong, chuyên gia năng lượng và trưởng nghiên cứu tại China National Offshore Oil Corp (CNOOC), phát biểu tại hội thảo Tuần lễ Dầu mỏ Quốc tế hôm thứ Tư 11/2.

Điều này đồng nghĩa đưa sản lượng khí đá phiến từ 1% trong tổng sản lượng khí của Trung Quốc lên 15% trong vòng 5 năm.

Năm 2014, Trung Quốc khoan mới 200 giếng khí, đưa tổng số lên 400 giếng, và sẽ tăng thêm vài trăm giếng mỗi năm. Chính phủ Trung Quốc cũng đặt mục tiêu giảm phụ thuộc vào than đá – hiện đang chiếm 2/3 tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc.

10 năm qua, ung thư phổi tại Bắc Kinh tăng 45%. Do vậy, mọi người đều biết rằng thách thức đầu tiên đối với năng lượng là vấn đề bền vững, ông Chen cho biết.

Trung Quốc lên kế hoạch cho cuộc cách mạng khí đá phiến từ năm 2012 khi chính phủ tuyên bố bắt đầu quá trình nứt vỡ thủy lực trữ lượng khí đá phiến – lớn nhất thế giới – và sản xuất 60-80 tỷ m3 mỗi năm vào năm 2020. Tuy nhiên, mục tiêu này dường như quá tham vọng và phải điều chỉnh xuống 30 tỷ m3 vào năm 2014 khi điều kiện khoan giếng trở nên khó khăn hơn dự đoán.

Năm 2014, Trung Quốc trở thành nước sản xuất khí đá phiến lớn thứ 2 thế giới, nhưng không đặt mục tiêu vượt Mỹ để vươn lên số 1, ông Chen cho biết. Thực tế, dự đoán Trung Quốc sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu khí đốt trong 5 năm tới do sản lượng nội địa không thể bắt kịp nhu cầu.

Nhập khẩu khí năm 2014 chiếm 31% và dự đoán 2020 con số này sẽ tăng lên 40-40%, theo ông Chen.

Tháng 5/2014, Trung Quốc và Nga đã ký hợp đồng cung cấp khí đốt qua hệ thống đường ống tại đông Siberia và trong tháng 11/2014, hai bên đã ký hợp đồng thứ 2 qua hệ thống đường ống tại tây Siberia.

Nguồn DVO/Market Watch