Thứ Hai | 22/09/2014 05:41

Tham vọng của FECON

Chọn lĩnh vực đặc thù là nền móng và công trình ngầm, FECON nhanh chóng trở thành doanh nghiệp uy tín trong ngành xây dựng dù còn khá non trẻ.
s
Chủ tịch HĐQT FECON Phạm Việt Khoa: Mục tiêu đưa Fecon trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu về kỹ thuật nền móng tại Việt Nam đã cơ bản hoàn thành.

Khi cái tên FECON được xướng lên ở vị trí thứ 3 trong danh sách “50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam năm 2014” do NCÐT bình chọn, nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên. Bởi lẽ, FECON vẫn là một cái tên còn khá mới trên thương trường, hoạt động ở mảng hẹp của lĩnh vực xây dựng: công trình ngầm.

Tuy còn non trẻ, nhưng FECON lại là một doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh khả quan bất chấp ngành xây dựng đang gặp khó khăn trong mấy năm vừa qua.

Cụ thể, với tỉ lệ tăng trưởng doanh thu đạt 50%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 29% và lợi nhuận trên vốn (ROC) là 17% bình quân trong giai đoạn 2011-2013, FECON đã lần đầu tiên lọt vào tốp “50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam năm 2014”. Ðâu là bí quyết giúp doanh nghiệp này có thể ngược dòng thị trường tốt như vậy?

“Mặc dù giai đoạn khởi đầu của doanh nghiệp đã có những thuận lợi nhất định, nhưng phía trước là bao tham vọng, thách thức đang chờ”, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FECON mở đầu câu chuyện trong buổi trao đổi với NCÐT tại tổng hành dinh Công ty ở khu Mỹ Đình, Hà Nội.

s
Chuyên môn + khe cửa hẹp

Tiếp tục làm việc trong biên chế hay ra ngoài lập nghiệp? Tiếp tục tiến thân theo con đường đã chọn từ lúc ra trường hay mạnh dạn vứt bỏ để thiết lập lại từ đầu? Đó là trăn trở của Phạm Việt Khoa cùng những người bạn sau hơn 10 năm chứng kiến quá trình phát triển kinh tế đất nước sau thời mở cửa. Kết quả từ những trăn trở ấy là sự ra đời của FECON vào tháng 6.2004.

Ngành nghề chính mà FECON chọn là nền móng và công trình ngầm. “Bất cứ công trình nào cũng phải thực hiện công đoạn này, nhưng lại ít có công ty xây dựng đầu tư đủ chiều sâu và có uy tín. Thế nên, chỉ cần làm tốt thì dù ra đời sau, Fecon vẫn tạo được chỗ đứng”, Chủ tịch FECON giải thích.

Không chỉ là ngách thị trường với ít cạnh tranh, lĩnh vực nền móng và công trình ngầm cũng chính là năng lực lõi của những người sáng lập FECON.

Cụ thể, ông Khoa sinh năm 1973, quê ở Nam Định, là Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và Thạc sĩ Nền móng và Công trình ngầm. Trước khi sáng lập FECON, ông từng là Đội trưởng Ðội thi công và thí nghiệm nền móng thuộc Công ty Xây dựng số 20 (LICOGI 20); và phụ trách chuyên môn nền móng cho Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI). Những người còn lại trong ban lãnh đạo FECON cũng là các kỹ sư và chuyên gia về xử lý và thi công nền móng công trình ở nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Chỉ 15 người tiên phong với tổng vốn ban đầu 2,5 tỉ đồng, FECON bước vào thị trường với dự án đầu tay là Trung tâm siêu thị Bic C Trần Duy Hưng. Sau đó là dự án Đại siêu thị Melinh Plaza và Siêu thị Metro 2 Hà Nội. Thời gian đầu do chưa có tên tuổi, để tham gia những dự án này, Công ty đã phải mượn tên những doanh nghiệp khác và trả phí họ. Tuy nhiên, chính kết quả đạt được từ các dự án “mượn tên” đã mang thêm khách hàng mới về cho FECON.

Ðến nay, FECON từng thực hiện hơn 500 công trình, bao gồm nhiều công trình là trọng điểm của quốc gia trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Từ lĩnh vực ban đầu là ép cọc, FECON đã trở thành một tập đoàn đa lĩnh vực với hơn 1.000 nhân sự. Doanh thu từ mức 5 tỉ đồng trong năm cũng đã tăng lên đến 1.200 tỉ đồng vào năm 2013.

Công nghệ + Con người
“Đầu tư và áp dụng công nghệ mới, cộng với đầu tư chiều sâu cho con người chính là yếu tố đã mang lại hiệu quả kinh doanh khác biệt cho Fecon so với một số công ty trong ngành”, ông Khoa khẳng định.

Đơn cử như việc đầu tư sản xuất cọc bê tông cốt thép ly tâm dự ứng lực. Ngay từ năm 2008, với việc áp dụng thành công công nghệ sản xuất cọc theo tiêu chuẩn Nhật, sản phẩm cọc bê tông của FECON cho phép giảm chi phí cọc móng tới 20% so với phương án cọc bê tông cốt thép thông thường có cùng sức chịu tải.

Tháng 11/2009, FECON tiếp tục cho ra đời loại cọc vuông ly tâm dự ứng lực phù hợp cho các công trình nhà cao tầng. Sản phẩm này lập tức được sử dụng cho công trình Khách sạn Lam Kinh, khách sạn 4 sao đầu tiên tại Thanh Hóa. Theo ông Khoa, hiện FECON đang chiếm khoảng 30-40% thị phần cọc xây dựng phía Bắc.

Không chỉ mang lại lợi thế cạnh tranh, việc đầu tư vào công nghệ mới cũng thể hiện sự nhanh nhạy về chiến lược của FECON và giúp Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Cách đây 6 năm, khi FECON vừa đưa nhà máy sản xuất cọc vào hoạt động thì cũng là lúc suy thoái kinh tế bắt đầu diễn ra. Hàng loạt hợp đồng đã ký bị hủy hoặc trì hoãn, Công ty đứng trước tình cảnh vô cùng khó khăn.

May mắn thay, cuối năm 2008, nhờ nắm bắt được yêu cầu khắt khe về tiến độ xử lý nền đất yếu của các công trình do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư, FECON đã liên danh với Shanghai Harbour (tập đoàn xây dựng uy tín hàng đầu Trung Quốc) và đề xuất phương án xử lý nền đất yếu bằng công nghệ gia tải chân không kết hợp với bấc thấm đứng. Công nghệ này giúp giảm tới 50% thời gian thi công xử lý đất yếu cho công trình.

Theo Chủ tịch FECON, so với các phương án xử lý nền truyền thống, việc sử dụng công nghệ chân không mang đến lợi thế vượt trội. Không chỉ kiểm soát được độ chặt của đất và bù tải, công nghệ này còn đo được chính xác tải trọng của đất phù hợp với từng yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, công nghệ mới còn cho phép chủ đầu tư tiết kiệm chi phí nhờ rút ngắn thời gian xử lý nền.

Chính những yếu tố này đã giúp FECON lần lượt được tham gia vào các dự án quy mô như Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai), gói thầu thiết kế, thi công xử lý nền đất yếu Nhà máy xơ sợi tổng hợp polyester Đình Vũ (Hải Phòng), dự án Kho chứa LPG lạnh Thị Vải, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II, dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1...

Bên cạnh công nghệ, một yếu tố khác tạo nên sự khác biệt cho FECON chính là đầu tư cho con người.

“Không có một công ty xây dựng nào ở Việt Nam sở hữu được hơn 100 kỹ sư vừa thấu hiểu địa chất, vừa thấu hiểu ngành kết cấu công trình như ở FECON. Công nghệ thì có thể mua hay bắt chước, nhưng con người thì rất khó”, ông Khoa khẳng định. Câu “Thấu hiểu lòng đất, chinh phục tầm cao” của FECON có lẽ cũng khởi nguồn từ quan điểm này.

FECON cũng là công ty tư nhân đầu tiên có Viện nghiên cứu trong công ty, nơi tập trung lực lượng Giáo sư, Tiến sỹ, chuyên gia đầu ngành trong xây dựng. Ngoài ra, Công ty còn liên kết đào tạo kỹ sư trình độ cao tại các Viện, Trường uy tín ở Thái Lan và Nhật.

Tương lai hạ tầng + chiến lược tầm xa

Kỹ thuật nền móng là lĩnh vực hẹp, nên để duy trì mức tăng trưởng cao cho FECON trong thời gian tới là rất khó. Thế nên, việc mở rộng sang lĩnh vực khác là chiến lược mà ban lãnh đạo Công ty đã tính đến.

Tại Hội nghị tiếp xúc với nhà đầu tư vào tháng 4.2014, ông Khoa từng khẳng định rằng mục tiêu đưa FECON trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu về kỹ thuật nền móng tại Việt Nam đã cơ bản hoàn thành. Vì thế, Công ty đang hướng tới mục tiêu lọt và tốp những doanh nghiệp hàng đầu về hạ tầng và công trình ngầm vào năm 2020.

Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, hạ tầng giao thông là một lĩnh vực có tiềm năng rất lớn. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, trong 10 năm tới, Việt Nam cần có 3.000-5.000 km đường cao tốc, 300-400 km tàu điện ngầm và phát triển hàng chục cảng biển.

Việc thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng FECON là động thái mới nhất nhằm hiện thực hóa chiến lược “tấn công” vào mảng hạ tầng. Hồi đầu năm nay, Fecon cũng đã bỏ ra gần 80 tỉ đồng mua lại cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược tại 2 doanh nghiệp lớn của ngành giao thông là Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (CIENCO 1) và Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI).

Hiện Fecon có sở hữu một phần vốn của CIENCO 1 và TEDI, sau khi vừa rót thêm 57 tỉ đồng vào TEDI hồi đầu tháng 8 vừa qua. Ông Phạm Việt Khoa đang tham gia vào Ban quản trị ở hai doanh nghiệp này.

CIENCO 1 và TEDI là 2 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Cụ thể, CIENCO 1 là doanh nghiệp số một trong thi công, còn TEDI là thương hiệu hàng đầu trong tư vấn thiết kế.

“Trở thành cổ đông chiến lược của TEDI tạo điều kiện thuận lợi cho việc cập nhập các công nghệ thi công hiện đại, rút ngắn thời gian phổ biến công nghệ mới vào các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam”.


s

Nếu như việc hợp tác với các doanh nghiệp trong nước được FECON vận dụng cho chiến lược phát triển ở lĩnh vực hạ tầng, thì Công ty đang hướng đến những đối tác Nhật để khẳng định vị thế trong mảng công trình ngầm. Một trong số các đối tác mà doanh nghiệp này đang nhắm đến là Raito Kogyo, một công ty xây dựng hàng đầu của Nhật trong lĩnh vực công trình ngầm được thành lập từ năm 1948.

Song song với việc nâng cao năng lực chuyên môn, FECON đã và đang có những bước đi để chuẩn bị nguồn lực tài chính cho chiến lược sắp tới. Mới đây, Công ty đã hoàn tất việc phát hành 195 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi cho Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ). Theo kế hoạch, FECON sẽ phát hành tiếp số trái phiếu chuyển đổi còn lại trong quý III này.

“Với việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, FECON hướng tới các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tìm kiếm đối tác hỗ trợ tốt hơn cho kế hoạch phát triển dài hạn của Công ty, ở cả góc độ tài chính cũng như quản trị doanh nghiệp”, ông Khoa chia sẻ.

Dù còn khá non trẻ, nhưng ở khâu quản trị doanh nghiệp, FECON cũng gây ấn tượng khi vừa ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) để đầu tư Hệ thống quản trị SAP ERP. Ðây là hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp tổng thể đang được nhiều tập đoàn quốc tế lớn ứng dụng thành công.

Có thể nói, việc doanh nghiệp tầm trung như FECON chấp nhận đầu tư một khoản lớn cho một sản phẩm có tính chuyên sâu, phục vụ hoạt động quản trị như SAP ERP cho thấy Công ty có những tham vọng vô cùng lớn. Và những mục tiêu đó sẽ không thể đạt được trong thời gian ngắn.

Một vấn đề khác có khả năng ảnh hưởng đến khả năng những mục tiêu lâu dài là quyền sở hữu công ty. Hiện tại, cổ phần của FECON là khá đại chúng nhưng ông Khoa cũng không lo ngại nguy cơ bị thâu tóm. Bởi theo ông, giá trị của Fecon là ở con người.

“Nhân sự ở FECON có cùng chí hướng, nên một tổ chức khác khi vào sẽ có thể không quy tụ được nguyên vẹn đội ngũ như tôi có bây giờ”, ông Khoa nhận xét.

Hiện Chủ tịch FECON và những người thân cận đang nắm khoảng 25% cổ phần Công ty; và cũng là nhóm cổ đông lớn nhất.

Nguồn Theo Nhịp Cầu Đầu Tư


Sự kiện