Thâm hụt thương mại làm khó tỉ giá
Tuần qua, khi số liệu sơ kết tình hình xuất nhập khẩu cả nước 6 tháng đầu năm được Bộ công thương đưa ra, đồng loạt các chuyên gia tài chính tại các ngân hàng đều tỏ ra quan ngại về nguy cơ thâm hụt cán cân thương mại sẽ gây sức ép lên tỉ giá. Bởi lẽ, đặt trong mối tương quan với tăng trưởng GDP mục tiêu cả năm 2016 là 6,7%, thì con số 82,24 tỉ USD tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong nửa năm nay đang tăng dưới mức kỳ vọng, thấp hơn 3,3% so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong nửa đầu năm, kim ngạch nhập khẩu giảm 0,5%, chủ yếu nhờ giá nhập khẩu các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu giảm mạnh. Vì thế, mặc dù khối lượng nhập khẩu các mặt hàng hầu hết đều tăng, nhưng tổng kim ngạch nhập khẩu lại suy giảm.
Ở đầu bên kia cán cân, giá bán giảm khiến bức tranh xuất khẩu quốc gia ảm đạm. Giá xuất khẩu giảm đến 6,3% ở các mặt hàng có thế mạnh như dầu thô và mặt hàng công nghiệp chế biến. Như vậy, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 10,1% và tính bù trừ giữa tăng/giảm giá và lượng đã khiến cho kim ngạch nhập khẩu tăng 490 triệu USD.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm sẽ gặp khó và có thể không đạt được mục tiêu 10% cả năm. Do đó, Bộ cũng “linh hoạt” điều chỉnh triển vọng tăng trưởng xuất khẩu sẽ chỉ đạt 8% trong năm 2016. Ngay sau thông báo điều chỉnh mục tiêu này, các chuyên gia tài chính thuộc VietinBank nhận định, kim ngạch xuất khẩu gặp khó giai đoạn cuối năm sẽ khiến cung USD ở mức thấp và đưa cán cân thương mại 6 tháng cuối năm thâm hụt. Hệ quả là USD trở nên khan hiếm và đẩy tỉ giá tăng.
Xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: baomoi.com |
Trong một diễn biến khác, số liệu của IMF cho thấy dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm còn 27,9 tỉ USD vào cuối năm 2015. Còn theo các chuyên gia phân tích thuộc HSBC, dự trữ quốc gia trong quý I/2016 có thể đã hồi phục, đạt mức 33,6 tỉ USD (tương đương 2,5 tháng nhập khẩu). Tuy nhiên, chỉ số này vẫn còn thấp, đặc biệt xét trong bối cảnh rủi ro nhân dân tệ biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh tiền đồng trong thanh toán thương mại quốc tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, nhân dân tệ đã giảm 3,8% và đã mất thêm 1,52% giá trị từ sau sự kiện Brexit. Đặt trong quan hệ thương mại sâu rộng giữa Việt Nam và Trung Quốc, áp lực này đã hiện hữu lên tỉ giá VND/USD. Các chuyên gia ngân hàng nhận định tỉ giá được dự báo tăng 2-3% trong 6 tháng cuối năm nhằm tạo sức cạnh tranh cho xuất khẩu và tương quan với mức tăng lãi suất bằng tiền đồng, tránh tình trạng đô la hóa.
Theo bà Izumi Devalier, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Việt Nam của Khối Nghiên cứu kinh tế Ngân hàng HSBC, trong trung hạn, Việt Nam vẫn đối mặt với thâm hụt kép: cán cân thương mại mất cân đối dẫn đến thặng dư tài khoản vãng lai “mỏng”, tạo thêm áp lực lên cán cân thanh toán. Dự trữ ngoại hối có xu hướng giảm. Tiền đồng vẫn đang chịu áp lực giảm giá.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, từ năm ngoái trở đi, tín dụng của Việt Nam đã tăng trưởng nóng. Trong 6 tháng đầu năm nay, tín dụng tiền đồng tăng 8,11%. Với định hướng của Ngân hàng Nhà nước là tín dụng tăng 18-20% trong cả năm 2016, có nghĩa là còn nhiều dư địa cho tăng trưởng tín dụng. Điều này được hiểu là hiện tại, Việt Nam ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua chính sách tiền tệ nới lỏng.
Tính đến ngày 20.6.2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,07% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 5,09%). Dựa trên số liệu này, Tiến sĩ Phan Minh Ngọc cho rằng, cung tiền đã được nới lỏng khá mạnh. Nới lỏng cung tiền chủ yếu thông qua việc mua vào USD để bổ sung dự trữ ngoại hối bị suy giảm trong năm 2015 (Ngân hàng Nhà nước cho biết đã mua vào 8 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm).
Nếu CPI tiếp tục tăng trong những tháng tới, một phần do chính sách tiền tệ nới lỏng, Ngân hàng Nhà nước cần chủ động điều chỉnh tỉ giá theo hướng hỗ trợ cho xuất khẩu.
An Cầm