Ảnh: VnReview.
Tham gia chuỗi sản xuất của Samsung: Vẫn rất khó
Một thực tế, các doanh nghiệp làm phụ trợ của Việt Nam đều mong muốn được tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung, điều đó bảo đảm cho họ có đầu ra ổn định, có điều kiện nâng cao trình độ công nghệ cũng như kỹ năng quản trị, hội nhập sâu hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Năm 2018, tỉ lệ nội địa hóa đạt 59%, nhưng Samsung vẫn tiếp tục cử chuyên gia hỗ trợ doanh nghiệp Việt, trong đó có Công ty An Trung Industries để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm để trở thành đối tác của Samsung.
Dù rằng An Trung Industries đã đầu tư tới 400 tỉ đồng để nhập khẩu nhiều dây chuyền sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc, công ty này, theo yêu cầu của Elentec và Samsung, công ty vẫn phải tiếp tục đổi mới và cải tiến về công nghệ, máy móc, nguồn nhân lực…
Tiêu chí tuyển chọn nhà cung cấp của Elentec và Samsung đưa ra là: Chất lượng - Giá cả - Thời gian. Khởi đầu bằng Nhà máy SEV với mức đầu tư 670 triệu USD vào năm 2008, sau 10 năm, đến nay Samsung đã nâng tổng số vốn đấu tư tại Việt Nam lên 17,3 tỉ USD, tăng 26 lần.
Samsung hiện có 8 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu phát triển, trong đó 2 nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên là 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên phạm vi toàn cầu.
Với quy mô đầu tư hiện nay, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam là mong muốn rõ ràng của Samsung. Điều này, một mặt đảm bảo cam kết của Samsung với Chính phủ Việt Nam về thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, nhưng mặt quan trọng hơn là giúp Samsung giảm giá thành nhập khẩu linh kiện, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng lợi nhuận.
Để tăng tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2020 lên mức cao hơn, Samsung đang cùng lúc triển khai nhiều giải pháp, cũng như tiếp tục xem xét khả năng hợp tác với nhiều doanh nghiệp tiềm năng khác, đặc biệt là những doanh nghiệp đã có thành tích tốt trong việc cải tiến quy trình sản xuất sau khi được hỗ trợ từ phía chuyên gia của Hàn Quốc.
Trong khi đó, Bộ Công thương đặt ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 2.000 doanh nghiệp.