Thâm canh vốn Nhật cho nông nghiệp
Khoảng 2 tháng trở lại đây, nho mẫu đơn của Nhật đang tạo cơn sốt với những người sành ăn khi một kg nho lên đến hơn 1 triệu đồng vẫn không đủ bán. Một sản phẩm khác là nấm mỡ Yoshimoto, loại nấm có thể ăn sống vì sạch và tươi ngon được một doanh nghiệp Nhật sản xuất tại Lâm Đồng, bán với giá tối thiểu là 500.000 đồng/kg...
Những “cơn sốt” như vậy càng thu hút nhà đầu tư Nhật hướng sự quan tâm vào ngành nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, các nhà đầu tư Nhật đẩy mạnh các dự án đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh 2 nước tận dụng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Qua đó, khi sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật sẽ xuất khẩu nông sản ngược lại Nhật để hưởng mức thuế nhập khẩu 0%. Đồng thời, các doanh nghiệp Nhật có thể đáp ứng được điều kiện quy định trong TPP là sản phẩm xuất khẩu phải có 70% hàm lượng nguyên liệu xuất xứ từ nội khối TPP.
Chính sách mới đưa ra vào tháng 10 gần đây của Thủ tướng Shinzo Abe về chiến lược đưa nông nghiệp thành ngành xuất khẩu chủ lực trong 3 năm tới buộc nước này có những hành động mạnh mẽ để gia tăng nguồn cung ứng nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Việt Nam là một trong những nước đón làn sóng đầu tư nông nghiệp của Nhật vì nhiều yếu tố. Khoảng 70% dân số nước ta làm việc trong lĩnh vực sản xuất nông lâm ngư nghiệp, ngành nghề chiếm 20% GDP cả nước. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đa dạng, phù hợp phát triển nông nghiệp. Vị trí địa lý của Việt Nam cũng thuận lợi trong kết nối giao thương với các thị trường tiêu dùng lân cận như ASEAN, Trung Quốc.
Theo Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật (JICA), hiện số lượng doanh nghiệp Nhật muốn thực hiện các dự án nông - thủy sản tại Việt Nam ngày càng tăng. Rất nhiều doanh nghiệp Nhật đang khảo sát thị trường trước khi quyết định đầu tư. Chẳng hạn, Công ty OTA Kaki có dự án phát triển thị trường hoa chất lượng cao, với hệ thống phân phối hiệu quả tại tỉnh Lâm Đồng. Cũng tại Lâm Đồng, Công ty Nikko Foods đang thực hiện dự án trị giá 820.000USD về phát triển cà chua chất lượng cao.
Tuy nhiên, 35 doanh nghiệp Nhật đầu tư chưa tới 234 triệu USD vào ngành nông nghiệp Việt Nam. Con số này cho thấy vẫn còn sự dè dặt nhất định về quy mô đối với các nhà đầu tư Nhật. Ông Nguyễn Anh Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giải thích, do thời gian đầu tư dài hạn, hiệu quả đầu tư không cao so với các ngành công nghiệp và đây là rủi ro chính đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, năng suất và chất lượng sản xuất nông sản ở Việt Nam còn thấp, cơ chế lưu thông của chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện là những hạn chế.
Nhật đang hợp tác nông nghiệp với Việt Nam thông qua mô hình Payroll Outsourcing, tức đầu tư với tư cách là công ty xuyên quốc gia, thuê lao động địa phương và thực hiện dự án đầu tư. Thông qua mô hình này, các công ty Việt Nam được thuê làm dự án sẽ học hỏi được kinh nghiệm, nâng cao trình độ và đặc biệt, họ được chuyển giao công nghệ cao từ các đối tác Nhật.
Mặc dù vậy, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật của Nhật cho nông dân Việt Nam là một quá trình dài, trong đó yêu cầu nông dân phải thay đổi cách làm truyền thống. Ví dụ, Tập đoàn Kato đang hợp tác với tỉnh Bình Định trong việc thực hiện một dự án trị giá 771.000USD về đánh bắt cá ngừ, kéo dài từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, để xuất khẩu thành công cá ngừ Việt Nam, ngư dân phải học lại cách câu cá ngừ ở biển để có được năng suất cao và đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, trả lời báo chí, ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (JETRO) tại TP.HCM, cho biết, một số doanh nghiệp Nhật còn gặp khó khăn khi nhập khẩu máy móc, thuê đất, nhà xưởng... Các nguyên liệu tại chỗ như phân bón, hạt giống cần mua để phục vụ sản xuất, Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 30%.
JICA có dự án thí điểm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện từ nay đến năm 2019 và nằm trong chiến lược trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước. Dự án này có một số kinh nghiệm mà ngành nông nghiệp tại các tỉnh thành có thể áp dụng để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Trong đó, ngoài trình độ của người nông dân, những điểm yếu trong chuỗi nông nghiệp Việt Nam còn nằm ở kỹ thuật canh tác, lưu thông, chuỗi cung ứng lạnh và tập trung hóa đất nông nghiệp.
Chẳng hạn, cà chua do nông dân Việt Nam sản xuất có giá bán tại siêu thị Việt Nam từ 15.000-25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá cà chua có thể tăng lên 40.000 đồng/kg nếu được trồng theo công nghệ Nhật. Khi xuất khẩu trở lại Nhật, giá cà chua bán buôn sẽ hơn 3 USD/kg (hơn 66.000 đồng/kg).
Đại diện của JICA Việt Nam từng tư vấn, tại Lâm Đồng, nếu nông dân trồng hoa thay vì trồng cà phê, thu nhập có thể tăng gấp 9 lần. Bên cạnh sản phẩm, đầu tư thêm các ngành dịch vụ đi kèm với nông nghiệp, ví dụ kết hợp du lịch sinh thái như một số dự án đang được thực hiện tại tỉnh Lâm Đồng cũng là một hướng phát triển mà các đơn vị nông nghiệp truyền thống có thể xem xét. Với sự phối hợp của JICA, Lâm Đồng đặt tham vọng sẽ trở thành trung tâm nông nghiệp có giá trị cao của Đông Nam Á và có thương hiệu nông nghiệp số 1 ở Việt Nam.
Mặt khác, theo ông Shinya Ejima, Phó Chủ tịch JICA, trong chuỗi giá trị thực phẩm, thực hiện hợp đồng nông nghiệp giữa nông dân, hợp tác xã, công ty nông nghiệp, nhà cung ứng hạt giống, công ty logistics... cần được trở thành thói quen trong kinh doanh để tăng tính minh bạch trong chuỗi quy trình.
Theo nghiên cứu của JICA, Việt Nam cần giải bài toán mà nhiều nước nông nghiệp gặp phải là nhu cầu tập trung diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún thành diện tích gieo trồng quy mô lớn, nhằm tạo sức mạnh tập trung hơn. Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển để có những sản phẩm thế mạnh, thiết kế bao bì, xây dựng thương hiệu... cũng rất cần thiết để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Anh Hoàng