Thứ Bảy | 25/10/2014 18:22

Thái Lan và hành trình giành lại ''ngôi vương'' xuất khẩu gạo

Thái Lan đang có cơ hội giành lại vị thế quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới sau 2 năm mất vào tay người Ấn.
Hiện vào thời điểm giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã trở lại mức có thể cạnh tranh với Ấn Độ và Việt Nam, cùng với một lượng lớn gạo trong kho được “giải phóng,'' nhờ việc Chính quyền do giới quân sự Thái Lan điều hành đã ngừng chương trình trợ giá gạo cho nông dân ngay sau khi lên nắm quyền hồi cuối tháng Năm.
Trở lại ngôi vị xuất khẩu nhiều nhất thế giới

Chương trình trợ giá thóc gạo cho nông dân từng là “vũ khí lợi hại” giúp cựu Thủ tướng Thái Lan, Yingluck Shinawatra, giành được phiếu bầu ở các vùng nông thôn và nắm quyền điều hành đất nước vào năm 2011.

Theo chương trình này, Chính phủ thu mua thóc gạo của nông dân với giá cao hơn giá thị trường tới 50%. Điều này đã gây chấn động trên thị trường gạo toàn cầu, đẩy giá gạo thế giới lên cao và hệ quả là các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan “ôm” tới 18 triệu tấn gạo với giá mức “trên trời” và Thái Lan phải nhường vị trí nước xuất khẩu gạo thế giới cho Ấn Độ vào năm 2012.

Cả Ấn Độ và Việt Nam đều nhanh chóng “lấp đầy” khoảng trống mà Thái Lan để lại và nắm lấy thị phần của Thái Lan. Chính phủ Ấn Độ nhanh tay làm tràn ngập thị trường với loại gạo rẻ hơn để bù đắp sự thiếu hụt của gạo Thái cũng như ngăn chặn nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực toàn cầu mà người ta lo ngại.

Tuy nhiên, thời cơ để Thái Lan giành lại những gì đã mất đã tới với việc Chính quyền do giới quân sự Thái Lan điều hành chấm dứt chương trình trợ giá gạo ngay sau cuộc đảo chính hồi cuối tháng Năm, giúp giải tỏa số gạo trong kho và hạ giá gạo Thái Lan xuống còn khoảng 450 USD/tấn, một mức có thể cạnh tranh với Ấn Độ và Việt Nam.

Giới xuất khẩu gạo Thái Lan đang lấy lại niềm tin rằng ngành xuất khẩu gạo của nước này sẽ tăng trưởng mạnh trở lại. Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, Chookiat Ophaswongse, lạc quan: “Tôi chắc rằng chúng ta sẽ trở lại ngôi vị nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm nay.''

Trong khoảng chín tháng vừa qua, Thái Lan đã xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, cao hơn khối lượng xuất khẩu của cả năm 2013.

Vụ trưởng Vụ ngoại thương Thái Lan, Duangporn Rodphaya, mới đây bày tỏ sự lạc quan rằng xuất khẩu gạo của Thái Lan đang trên đà đạt 11 triệu tấn gạo trong năm 2014, nhờ khả năng cạnh tranh về giá cũng như nỗ lực của chính phủ trong việc giải tỏa kho dự trữ gạo.

Đây là con số dự báo vô cùng tích cực cho xuất khẩu gạo của Thái Lan vì tháng Một nước này chỉ mới xuất khẩu được 8,5 triệu tấn gạo trong cả năm 2014.

Nhà kinh tế cao cấp Darren Cooper thuộc Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế có trụ sở tại London nói rằng Thái Lan hoàn toàn có thể vượt Ấn Độ ngay trong năm 2014, trong bối cảnh nước này bước đầu giành được thị phần đã mất tại Nigeria, Bờ Biển Ngà và Ghana.

Tuy nhiên, câu chuyện thực sự sẽ diễn ra trong năm 2015, thời điểm Thái Lan sẽ dễ dàng trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Điều này cũng còn phụ thuộc khá nhiều vào triển vọng xuất khẩu của Ấn Độ.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Bộ Ngoại thương Mỹ gần đây cũng chỉ ra rằng Thái Lan sẽ là nước xuất khẩu gạo số một thế giới trong năm 2014, mặc dù sản lượng gạo năm 2015 kém khả quan hơn rất nhiều do Chính quyền quân sự Thái Lan yêu cầu thu hẹp sản xuất.

“Cuộc chiến ngôi vị” với Ấn Độ vẫn tiếp diễn

Nhà kinh tế cao cấp của công ty thông tin toàn cầu HIS, Brandon Kliethermes, cho rằng Thái Lan sẽ giành lại vị trí số một này với khối lượng gạo xuất khẩu ước khoảng 10 triệu tấn trong năm 2014, tiếp theo là Ấn Độ 8,4 triệu tấn và Việt Nam 6,6 triệu tấn.

Tuy nhiên, Thái Lan và Ấn Độ sẽ tiếp tục canh tranh quyết liệt cho ngôi vị này trong dài hạn, khi mà cả hai nước được dự báo có thể xuất khẩu trên 12 triệu tấn/năm.

Thái Lan là đối thủ hàng đầu đối với các loại gạo không phải gạo basmati, song Ấn Độ vẫn tin tưởng vào mức giá cạnh tranh của mình.

Các thị trường chủ chốt cho các loại gạo này của Ấn Độ là châu Phi, Indonesia, Malaysia, Bangladesh và Nepal. Đây cũng đều là các thị trường xuất khẩu cho gạo trắng Thái Lan. Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (AIREA) ở New Delhi đang tích cực vận động Indonesia và Malaysia mua gạo Ấn Độ.

Nhu cầu của châu Á, chủ yếu từ Trung Quốc, sẽ là động lực chính cho mức tăng tiêu thụ gạo thế giới trong niên vụ 2014-15. Tuy nhiên, nhu cầu gạo của châu Phi lại giữ vai trò thúc đẩy xuất khẩu gạo thế giới trong dài hạn.

Bà Duangporn cho hay Bộ Thương mại Thái Lan giờ đây có thể bán gạo trong kho một cách liên tục và thông qua các hợp đồng cấp chính phủ.

Gần đây nhất, Chính phủ Thái Lan đã bán 1 triệu tấn gạo cho Trung Quốc, 170.000 tấn cho Indonesia và 300.000 tấn cho Philippines thông qua các hợp đồng cấp chính phủ.

Nhu cầu của các khách hàng tiềm năng như Iran cũng khá lớn. Nhìn chung xuất khẩu gạo của Thái Lan khá hứa hẹn và giá cả giờ đây đã cạnh tranh hơn.

Malaysia bày tỏ việc muốn nhập khẩu thêm gạo Thái, nhưng đồng thời muốn thương lượng mức giá hợp lý hơn. Không chỉ Malaysia, Indonesia và Trung Quốc đều có nhu cầu khá cao về mặt hàng này.

Đòi hỏi nhiều hơn việc cắt giảm chi phí

Để trở lại vị thế trên thị trường xuất khẩu gạo, nông dân Thái Lan cần tập trung giảm chi phí sản xuất bao gồm chi phí cho phân bón và máy móc.

Chính quyền quân sự Thái Lan giờ đây giữ quan điểm cứng rắn hơn với “văn hóa trợ giá” đối với gạo và các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt khác như cao su. Paitoon Urairong, Vụ phó Vụ gạo thuộc Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã Thái Lan, cho hay Chính quyền quân sự cho rằng cần có sự hợp tác giữa các nhà cung cấp để cắt giảm chi phí.

Lập trường của Chính phủ Thái Lan về vấn đề trợ giá đã và đang khiến nông dân trên cả nước lo ngại. Chủ tịch Hiệp hội nông dân trồng lúa, Prasit Boonchoei, cho rằng đề xuất cắt giảm chi phí sản xuất là chưa đủ.

Giới chuyên gia khuyến nghị nông dân tập trung sản xuất các loại lúa gạo có chất lượng và giá trị cao hơn.

Hiroyuki Konuma, Đại diện của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương, cho rằng sẽ lành mạnh hơn rất nhiều nếu hỗ trợ nông dân bằng cách trợ giá nguyên liệu đầu vào như hạt giống. Ông cũng khuyến nghị việc sản xuất các loại gạo có giá bán cao hơn trên thị trường như gạo hương nhài và gạo hữu cơ.

Các nhà xuất khẩu Thái Lan cũng đang hối thúc Chính phủ nước này hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong việc giành thêm các hợp đồng kỳ hạn, nhất là trong vụ thu hoạch mới, nhằm kiềm chế giá thóc gạo đi xuống.

Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho hay các doanh nghiệp xuất khẩu nước này đang tìm kiếm các đối tác nước ngoài để chào bán gạo thông qua các hợp đồng kỳ hạn để tránh nguy cơ giá thóc gạo sụt giảm.

Giá gạo toàn cầu trước sức ép đi xuống

FAO dự báo sản lượng gạo toàn cầu sẽ giảm, do mùa mưa đến muộn tại Ấn Độ cộng thêm việc Thái Lan ngừng chương trình trợ giá thóc gạo ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung từ các nhà xuất khẩu lớn nhất Thái Lan.

Sau mùa mưa bất thường, sản lượng gạo của Ấn Độ dự báo có thể giảm 2,4%. Trong khi đó, việc chương trình trợ giá gạo cho nông dân của Thái Lan kết thúc đã đẩy nguồn cung lên mức cao kỷ lục. Đây là lý do khiến nhiều nông dân quay lưng lại với việc trồng lúa gạo.

Theo báo cáo hàng quý của FAO vừa công bố, sản lượng gạo thế giới có thể sẽ giảm 0,4% xuống 496,4 triệu tấn trong niên vụ 2014-15.

Dự trữ cuối niên vụ trong cùng thời gian này ước đoán sẽ giảm 2% xuống còn 177,7 triệu tấn, lần giảm đầu tiên trong một thập niên. Trong khi đó, thương mại toàn cầu tăng 1,1% lên mức cao kỷ lục 40 triệu tấn trong năm 2015.

IHS mới đây dự báo nhu cầu gạo thế giới niên vụ 2014-15 sẽ tăng lên 478 triệu tấn, tăng 4,4 triệu tấn so với niên vụ trước đó, trước khi mạnh lên mức 483 triệu tấn trong niên vụ 2015-16.

Trong bối cảnh này, FAO nhận định rằng giá gạo toàn cầu sẽ vẫn đối mặt với sức ép đi xuống vào thời điểm các nước ở Bắc Bán Cầu đang thu hoạch lúa trong khi các nước xuất khẩu vẫn có kho gạo khá dồi dào và sẽ đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, giá gạo Thái 5% tấm, gạo chuẩn tại châu Á, là 428 USD/tấn (tính theo giá ngày 8/10), thấp hơn đáng kể so với mức giá 450 USD/tấn cuối năm 2013.

Loại gạo này của Thái Lan hôm 28/5 đã rớt xuống mức 384 USD/tấn, được coi là mức thấp nhất tối thiểu từ năm 2008.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện