Thứ Ba | 15/10/2013 09:37

Thái Lan sẽ thống trị thị trường đường thế giới

Các nhà sản xuất đường trên toàn cầu đang vui mừng vì giá đường đang tăng cao mặc dù các báo cáo vẫn cho thấy thị trường thế giới còn dư cung.
Giá đường đã vọt lên mức cao kỷ lục 7 tháng vào ngày 10/10/2013, với đường thô kỳ hạn tháng 3 tại sở giao dịch New York (ICE) đạt 18,95 US cent/lb, trong khi đường trắng tại London đạt 506,70 USD/tấn. Từ mức thấp kỷ lục 3 năm hồi tháng 7 tới nay, giá đường đã tăng tới 16%.

Tuy nhiên, giá cao như hiện nay dự báo sẽ không bền vững, bởi lượng dư thừa còn khá nhiều, và về mặt lý thuyết thì điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới giá cả.

Thái Lan trong mấy năm qua đã gia tăng khả năng sản xuất một cách chậm rãi nhưng chắc chắn, và năm nay có đột phá lớn khi sản lượng vượt mốc 10 triệu tấn. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giai đoạn bắt đầu.

Sản lượng khoảng 10 triệu tấn đường năm nay thu được từ diện tích mía khoảng 9,3 triệu rai (1 rai = 1.600 m²), và theo dự án quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp mới được chính phủ phê duyệt gần đây thì những diện tích dất trồng lúa kém hiệu quả sẽ chuyển sang trồng mía, với dự kiến sẽ bổ sung thêm 7,2 triệu rai trồng mía nữa trong vòng 3 năm tới.

Mặc dù dự án quy hoạch này chưa được thực hiện, song sản lượng đường năm 2014 dự kiến sẽ tăng lên 11 triệu tấn, từ 110 triệu tấn mía, tăng khá nhiều so với 100 triệu tấn mía của năm nay. Và như vậy xuất khẩu tất yếu sẽ tăng vì thị trường nội địa không thể hấp thụ thêm 1 triệu tấn đường nữa (và cũng không rõ liệu thị trường thế giới có thể hấp thụ thêm 1 triệu tấn đường nữa hay không).

Ủy ban Mía Đường Thái Lan dự kiến xuất khẩu đường quốc gia năm 2014 sẽ đạt 8,5 triệu tấn, tăng so với 7,4 triệu tấn năm nay.

Theo kế hoạch, 2,5 triệu rai đất trồng lúa sẽ được chuyển sang trồng mía trong vụ 2014/15, thêm 2,7 triệu rai nữa trong năm 2015/16 và 2 triệu rai trong vụ tiếp sau đó.

Tất cả các diện tích lúa được xác định trong vùng chuyển đổi quy hoạch sẽ nằm trong vùng cách 50 đến 100 km so với những nhà máy đường hiện có. Các nhà máy cho biết họ đã sẵn sàng tăng mạnh sản lượng để giải quyết hết số mía cung mới này.

Kinh ngạc hơn nữa là sẽ còn có thêm diện tích đất nông nghiệp được chuyển sang trồng mía hoặc ngô trong 3 năm tiếp theo nữa, ước khoảng 3,56 triệu rai nằm trong vùng lân cận các nhà máy mía đường. Nếu tất cả diện tích đó được chuyển sang trồng mía thì trong vòng 6 năm tới Thái Lan sẽ có thêm 10,76 rai đất chuyển từ trồng lúa và các cây khác sang trồng mía, tức là nhiều hơn cả diện tích 9,3 triệu rai hiện tại.

Và như vậy thì lượng cung đường gia tăng trên toàn cầu không chỉ là con số 1 triệu tấn, mà sẽ là 12 triệu tấn chỉ trong vài năm tới.

Mặc dù các nhà máy cho biết họ đã sẵn sàng chế biến lượng mía cung cấp bổ sung, song không thể tưởng tượng làm thế nào mà những nhà máy hiện nay có thể nâng sản lượng lên gấp đôi mà không mở rộng công suất. Do đó chắc chắn sẽ các nhà máy đường hiện nay sẽ rất cần vốn đầu tư để mở rộng công suất sản xuất và xây dựng các dự án lớn. Tuy nhiên, chính phủ mới chỉ bàn về các kế hoạch quy hoạch chứ chưa nói gì tới các kế hoạch xây dựng các nhà máy mới.

Với lượng đường dự kiến gia tăng mạnh trên thị trường thế giới, mà phần lớn đến từ Thái Lan, giá đường Thái sẽ không còn cao hơn so với giá trên thị trường thế giới như hiện nay. Hiện Tổng Công ty Mía đường Thái Lan (TSCS) đang bán khoảng 800.000 tấn đường J-Spec và Hi-Pol qua một số cuộc đấu thầu hàng năm, và mức cộng giá đường Thái được xem là chỉ báo cho thị trường đường thế giới.

Nhưng với lượng cung tăng mạnh hơn nữa, mức cộng này sẽ giảm dần, có thể sẽ giảm tới mức không còn là một chỉ báo của thị trường nữa. Thị trường thế giới khi đó sẽ ngập trong đường Thái Lan. Kết quả cuộc đấu thầu tuần qua cho thấy, TSCS chỉ bán được 122.000 tấn đường trong tổng số 182.666 tấn chào do ít công ty thương mại quốc tế trả mức cộng từ 88 đến 105 điểm.

Tuy nhiên, còn lâu mới tới thời điểm đó. Những đối thủ cạnh tranh gần nhất với Thái Lan, Australia và Ấn Độ, vẫn đang tìm cách cung cấp đường cho thị trường châu Á. Các nước xuất khẩu khác vẫn có quyền hy vọng. Ấn Độ đang đẩy tăng xuất khẩu đường, hiện tập trung vào xuất khẩu đường thô chứ không chỉ đường trắng như trước kia nữa, và họ đang hướng tới xuất khẩu đường tinh luyện sang Trung Đông và Bắc Phi. Nhưng Ấn Độ sẽ không phải là người duy nhất có kế hoạch này, bởi chắc chắn Thái Lan cũng sẽ tìm cách chiếm được những thị trường này – cạnh tranh trực tiếp với Brazil, nước có truyền thống cung cấp đường thô cho các nhà tinh luyện ở những thị trường Trung Đông và Bắc Phi.

Và cạnh tranh gia tăng sẽ đồng nghĩa với giá giảm. Có thể cái ngày giá đường thô giảm xuống 9 US cent/lb cũng không còn xa nữa.

Ngành đường Việt Nam vốn luôn cạnh tranh khó khăn với đường nhập từ Thái lan, bởi mặc dù đường nhập khẩu chịu thuế 5% nhưng giá hiện vẫn thấp hơn giá đường trong nước khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Theo lộ trình thì đến 2015 Việt Nam sẽ phải hạ thuế suất xuống bằng 0%, cộng với giá đường Thái Lan hạ hơn nữa khi sản lượng tăng, ngành mía đường Việt Nam sẽ phải cải tổ nhanh và mạnh mới có thể hy vọng duy trì thị trường nội địa và cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Nguồn CafeF


Sự kiện