Thái Lan: Nhu cầu mua vàng giảm mạnh do bế tắc chính trị
Tiêu thụ vàng trên toàn châu Á năm 2013 đạt mức kỷ lục ngay cả khi một số nhà đầu tư tại Mỹ và châu Âu mất lòng tin đối với kim loại quý này như phương tiện dự trữ. Giá sản phẩm hậu thuẫn bằng vàng giao dịch trên thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục giảm và theo Goldman Sachs Group Inc., giá sẽ tiếp tục giảm.
“Các nhà đầu tư ít nhiều giảm hứng thú với vàng khi giá được dự đoán giảm hơn nữa trong năm nay, trong khi tỷ lệ thu hồi vốn thấp hơn nhiều so với đầu tư vào cổ phiếu. Khi nền kinh tế trì trệ do bất ổn chính trị và xu hướng giá vàng giảm, người dân sẽ tiết kiệm tiền hơn là chi tiêu”, Pawan Nawawattanasub, CEO của YLG, cho biết.
Giá vàng tăng 15% trong năm nay, trước khi giảm khoảng một nửa mức tăng này. Giá vàng giờ đóng cửa phiên giao dịch hôm 15/5 đạt 1.296,22 USD/ounce, tăng 7,9%. Chỉ số Index 500 Standard & Poor đạt mức kỷ lục trong tháng này, trong khi chỉ số Index 600 Stoxx Europe tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008.
Nước tiêu thụ nhiều nhất
Tiêu thụ vàng ở Thái Lan năm 2013, nước sử dụng lớn thứ 3 châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ, tăng 73%, đạt 140,1 tấn. Nhập khẩu cao hơn mức tiêu thụ trong nước khi một số lượng vàng, kể cả trang sức, được tái xuất.
Nhu cầu tiêu thụ vàng trên thế giới năm 2013 tăng 21% đạt 3.864 tấn khi tiêu thụ vàng tại Trung Quốc tăng kỷ lục 32%, đạt 1.065,8 tấn. Các nước châu Á, kể cả Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á, tiêu thụ vàng tăng 25%, đạt 2.434 tấn.
Nhu cầu vàng tại Trung Quốc năm 2014 có thể giảm xuống mức của năm 2012, Dick Poon, Tổng giám đốc Heraeus Metals Hong Kong Ltd, cho biết. Nhập khẩu vàng của Trung Quốc có thể giảm trong những tháng tới sau khi đồng Nhân dân tệ yếu đi, theo Standard Chartered Plc.
Ảnh hưởng của khủng hoảng chính trị
Khủng hoảng chính trị tại Thái Lan đã khiến lòng tin của người tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua, và các công ty xếp hạng tín dụng cảnh báo rằng những bất ổn này đe dọa làm tổn hại đến nền kinh tế vốn đang yếu ớt này.
Khủng hoảng chính trị đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế động lực, làm giảm chi tiêu cá nhân và tác động xấu đến ngành du lịch. Theo kết quả sát 12 nhà kinh tế học do Bloomberg tiến hành, kinh tế Thái Lan quý I năm nay giảm 2,2% so với quý IV/2013.
Tuy khủng hoảng chính trị đang khiến các doanh nghiệp đau đầu trong việc đưa ra quyết định đầu tư nhưng người tiêu dùng dường như vẫn có quan điểm lạc quan về giá vàng, Victor Thianpiriya, chiến lược gia hàng hóa tại ANZ ở Singapore, cho biết.
Nhập khẩu vàng
Theo số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan, nhập khẩu vàng của nước này tháng 3 tăng gần 2 lần so với tháng 2, đạt 10,6 tấn. Điều này có nghĩa rằng nhu cầu bắt đầu tăng.
Victor Thianpiriya, chiến lược gia hàng hóa tại ANZ ở Singapore cho biết “Mua vàng tăng mạnh trong năm ngoái là dấu hiệu rõ ràng về sự phản ứng của người dân trước việc giá giảm”. Mặc dù giá tiếp tục giảm, lòng tin rằng vàng là một phương diện đầu tư bị ảnh hưởng, nhưng nhu cầu tại châu Á không phải là tạm thời và sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng, ông Thianpiriya cho biết.
Tiêu thụ vàng của Thái Lan năm nay có thể giảm xuống mức của năm 2012, đạt 80 tấn, Albert Cheng, giám đốc điều hành Viễn Đông của WGC cho biết. Sức mua sẽ giảm khi Ấn Độ tiếp tục áp mức thuế nhập khẩu cao nhằm kiềm chế nhập khẩu một số hàng hóa như trang sức từ Thái Lan.
Số lượng các nhà đầu tư Thái Lan đang buôn bán vàng trong năm nay sẽ giảm do nhiều người vẫn nắm giữ vàng mua hồi năm ngoái, Pawan Nawawattanasub, CEO của YLG, cho biết. Bà này cũng là người hồi năm ngoái đã đưa ra ước tính nhập khẩu vàng của Thái Lan năm 2013 đạt trên 300 tấn.
“Nếu giá tiếp tục xu hướng giảm, nhu cầu vàng sẽ vẫn thấp. Chúng ta có thể thấy các nhà đầu tư đang trở lại thị trường, tạo dựng vị trí, nếu giá giảm xuống mức 1.100 USD”, bà Pawan cho biết.
Nguồn Theo DVO/Bloomberg