Thái Lan nhập khẩu gạo Việt Nam qua đường tiểu ngạch
Theo hãng tin Reuters, nhu cầu gạo trắng chất lượng thấp của các nhà nhập khẩu châu Phi đã buộc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Thái Lan phải mua thêm gạo dự trữ từ Việt Nam và Campuchia để đáp ứng các đơn hàng vì Thái Lan đang thiếu hụt nguồn cung do chương trình mua thóc giá cao của chính phủ.
Chính phủ Thái Lan kéo dài chương trình mua thóc giá cao 15.000 baht (480 USD Mỹ)/tấn đến hết tháng 9/2012 và có thể tiếp tục gia hạn chương trình trong tháng 10/2012 khi mùa thu hoạch bắt đầu.
Chiều ngày 1/9, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, xuất khẩu tiểu ngạch sang Thái Lan cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá lúa gạo trong nước tăng lên trong thời gian gần đây. “Tuy nhiên, việc thu gom lúa gạo đẩy qua biên giới không kiểm soát sẽ dẫn đến bất lợi nếu nguồn cung trong nước thiếu hụt”, ông Kiên cảnh báo.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết đa phần gạo xuất qua Campuchia là xuất lậu nên khó có thể thống kê được lượng gạo chính xác nhập từ Việt Nam và Campuchia. Thông thường, Việt Nam mua từ 500.000 đến 1 triệu tấn gạo từ Campuchia mỗi năm. Nhưng năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu ít nhất 500.000 tấn gạo sang Campuchia, dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung gạo trong nước và đẩy giá gạo lên cao hơn.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, trước đây, lúa gạo từ Campuchia xuất sang Việt Nam. Đây là chuyện bình thường bởi người Việt sang Campuchia thuê đất trồng lúa rất nhiều. Tuy nhiên, khi giá gạo thị trường lên cao, doanh nghiệp xuất gạo bán, thu lợi nhuận, nhưng không chia sẻ lợi ích này với nông dân.
Như vậy, chỉ một số ít doanh nghiệp có lợi, còn nông dân hầu như không được gì.
Ngoài ra, TS Lê Văn Bảnh cho rằng việc lúa gạo “chảy” từ Việt Nam sang Thái Lan có thể không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực Việt Nam.
Nguồn Sài Gòn giải phóng