Thái Lan lên kế hoạch “xả” hết 17 triệu tấn thóc gạo tồn kho
Chính phủ Thái Lan vừa công bố kế hoạch hai năm để giải quyết khoảng 17 triệu tấn thóc gạo vẫn đang tồn trữ trong kho, trong đó dự kiến khoảng 10 triệu tấn gạo sẽ được bán trong năm 2015.
Chính phủ Thái Lan đã hoàn tất việc kiểm tra các kho dự trữ thóc gạo trên toàn quốc và phân ra làm ba loại A, B và C để giúp cho việc bán mặt hàng này trở nên dễ dàng hơn.
Số thóc gạo trên nằm trong chương trình trợ giá thóc gạo của chính phủ tiền nhiệm do vậy họ sẽ phải tính đến việc hạn chế tối đa những tác động có thể có đối với việc bán gạo ra thị trường.
Theo báo cáo tổng kết của Ủy ban chính sách lúa gạo quốc gia, trong số thóc gạo tồn kho hiện nay có khoảng 2,35 triệu tấn đủ chất lượng và được coi là loại A.
Hơn 13 tấn được đánh giá vào loại B và khoảng 767.000 tấn kém chất lượng bị liệt vào loại C. Sau khi chính phủ hiện nay bán hết được số gạo còn tồn, Thái Lan ước tính sẽ lỗ khoảng hơn 680 tỷ baht từ chương trình trợ giá gạo của chính phủ tiền nhiệm.
Kể từ khi chính phủ quân sự lên nắm quyền, Bộ Thương mại Thái Lan đã tổ chức được bốn cuộc đấu giá lớn và bán được gần 682.000 tấn gạo, thu về 6,36 tỷ baht.
Lượng gạo bán thông qua các hợp đồng liên chính phủ (G2G) với các nước như Trung Quốc, Indonesia và Philippines trong năm 2014 vào khoảng 1 triệu tấn và có thêm một số lượng nhỏ khách mua từ Hong Kong và Iraq chưa được thống kê.
Trong một thông tin có liên quan, báo cáo đánh giá của trường Đại học Thương mại Thái Lan vừa công bố cho hay kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan dự kiến sẽ tăng hơn 3% trong năm 2015, thấp hơn 1% so với mục tiêu của Bộ Thương mại, bởi hệ thống ưu đãi về thuế quan tại châu Âu không còn và một số nước nhập khẩu đang gặp khó khăn.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu của Thái Lan trong năm nay ước tăng 3,1% lên 235 tỷ USD, tăng 0,4% so với năm 2014. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ và khu vực ASEAN dự kiến tăng lần lượt 4,2% và 3,7%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm khoảng 0,3% so với mức tăng 6,4% của năm 2014.
Ngoài ra, xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản dự kiến cũng giảm 0,3% và 0,5% vì hai nền kinh tế này đang gặp khó khăn.
Theo báo cáo trên, các nhà sản xuất và xuất khẩu Thái Lan cần nghiên cứu thêm về các nước vẫn còn được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan của châu Âu để hợp tác hoặc mở cơ sở sản xuất ở đó để có thể được hưởng lợi về giá cả.
Nguồn Vietnam+