Thái Lan đề xuất tiếp tục giảm xuất khẩu cao su để trợ giá
Thái Lan, Indonesia và Malaysia, chiếm khoảng 70% sản lượng cao su toàn cầu, đã hoàn thành chương trình cắt giảm xuất khẩu 300 nghìn tấn cao su năm ngoái, đồng thời đốn bỏ cây già.
Giá cao su kỳ hạn phục hồi 15% trong năm 2012 sau khi 3 nước nói trên đồng thuận hạn chế xuất khẩu từ tháng 10/2012-3/2014 và chặt bỏ cây già, tương đương giảm cung ra thị trường khoảng 450 nghìn tấn.
"Việc giảm xuất khẩu đã khiến giá tăng trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, cần nhiều biện pháp để ổn định giá trong dài hạn", Chaiyos Sincharoenkul, chủ tịch của Hiệp hội Cao su Thái Lan, cho biết.
Giá cao su giao dịch tại Tokyo giảm 19% từ mức cao nhất 10 tháng trong tháng 2 năm nay do các hãng sản xuất lốp xe cắt giảm chi phí và dự trữ cao su tăng tại Trung Quốc, nước tiêu thụ cao hàng đầu thế giới.
Tồn kho cao su tại Trung Quốc hiện đạt 113,8 nghìn tấn, cao nhất kể từ tháng 1/2010, Sở giao dịch Thượng Hải cho biết hôm 15/3. Dự trữ cao su toàn toàn cầu cuối năm 2012 đạt 2 triệu tấn, mức cao nhất trong 7 năm, đủ để đáp ứng nhu cầu Bắc Mỹ trong khoảng 2 năm, theo Tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG).
Thái Lan đã tạm dừng kế hoạch trồng cây cao su mới và sẽ xem xét thu mua cao su trong nước khi chương trình hiện tại kết thúc vào tháng ba, Bộ trưởng cho biết. Thái Lan cũng không có kế hoạch bán cao su từ kho dự trữ tích lũy.
Ba nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia có thể tiếp tục cắt giảm xuất khẩu nếu giá giảm xuống dưới 3USD/kg, Darmansyah Basyaruddin, giám đốc điều hành của Hiệp hội cao su quốc tế cho biết hôm 27/2.
Tuy nhiên, theo chủ tịch của Hiệp hội cao su Indonesia, hạn chế bán hàng "chỉ là một biện pháp tạm thời và là liệu pháp sốc cho thị trường", các nước cần quản lý chặt nguồn cung từ các đồn điền để tăng giá.
Còn theo IRSG, thặng dư cao su toàn cầu có thể giảm 61% trong năm 2013 do tiêu thụ tăng lên mức kỷ lục. Việc cầu cao su tăng thứ 5 liên tiếp sẽ thu hẹp thặng dư xuống 179 nghìn tấn trong năm nay và 153 nghìn tấn vào 2014, thay vì 460 nghìn tấn năm 2012.
Nguồn Bloomberg/Khampha