Thái Lan chưa thể xả kho dự trữ gạo khổng lồ
Thái Lan bắt đầu áp dụng chính sách thế chấp lúa gạo từ tháng 10/2011. Theo các báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong vụ lúa chính đầu tiên thực hiện chính sách này, chính phủ Thái Lan chỉ mua được gần 7 triệu tấn lúa của gần 1,3 triệu hộ nông dân. Liên tiếp hai vụ sau đó, với số hộ nông dân tham gia nhiều hơn, tổng khối lượng lúa mua được lên tới gần 29 triệu tấn. Còn trong tháng đầu tiên của vụ lúa hiện nay, con số thu mua là khoảng 2 triệu tấn. Tổng cộng qua 19 tháng thực hiện, lượng lúa mua được đạt con số khổng lồ gần 38 triệu tấn, tương ứng 24,6 triệu tấn gạo và trị giá hơn 19 tiỷ USD.
Trong khi đầu vào khổng lồ được công bố công khai thì đầu ra của lượng gạo tồn kho Thái Lan lại không rõ ràng. Hiện chưa có con số cụ thể về mức dự trữ trong kho của Thái Lan. Trong suốt thời gian thực hiện chính sách, duy nhất một lần vào tháng 9/2012, chính phủ Thái Lan cho đấu giá công khai gần 600.000 tấn gạo nhưng chỉ bán được hơn 1/3.
Trong khi đó, theo công bố của Thái Lan thì kể từ tháng 10/2011 đến tháng 3/2013, nước này đã xuất khẩu trên 10 triệu tấn gạo, thu gần 7 tỷ USD. Vấn đề là trong tổng lượng gạo xuất khẩu đó có bao nhiêu gạo lấy từ kho dự trữ và xuất khẩu theo hợp đồng liên chính phủ, bao nhiêu gạo lấy từ các nguồn khác và xuất theo hợp đồng thương mại.
Từ các dữ liệu trên, hiện lượng gạo dự trữ của Thái Lan phải cao hơn nhiều so với con số 14 triệu tấn. Bởi theo số liệu từ USDA, chính phủ tiền nhiệm đã để lại khoảng 1-2 triệu tấn gạo và năm 2012 còn khoảng 600.000 tấn từ những quốc gia láng giềng nào đó được “hút vào” do giá quá hấp dẫn.
Tuy nhiên, ông Bích cho rằng Thái Lan chưa thể xả hàng thời điểm này vì ba lý do chủ yếu sau:
Thứ nhất, chính sách thế chấp lúa gạo không còn là vấn đề kinh tế mà đã là vấn đề chính trị nên nó sẽ không được giải quyết theo logic kinh tế thông thường. Cho dù giá mua lúa có cao ngất ngưởng đúng như chính sách thế chấp ấn định thì với hơn 10 triệu tấn gạo xuất khẩu đó, chính phủ Thái Lan đang bị lỗ khoảng 2,3 tỉ USD, thậm chí có ý kiến cho rằng đã lên tới 3,8 tỉ USD chỉ trong một năm. Nếu công khai thì đồng nghĩa với việc thừa nhận chính sách quan trọng bậc nhất đưa họ lên nắm quyền là sai lầm, mà sai lầm chính trị thì rất khó tránh trả giá bằng chính trị.
Thứ hai, việc “bung hàng” của Thái Lan sẽ dấy lên làn sóng phản ứng của quốc tế và chẳng khác gì đổ thêm dầu vào ngọn lửa vốn âm ỉ ở trong nước. Chắc chắn quan chức Thái Lan sẽ cố tránh đẩy gạo ra ồ ạt, bởi việc giá thế giới rơi tự do vừa chọc giận các đối thủ cạnh tranh, vừa khiến khoản “thụt két” nói trên phình to không khác gì “tự bắn vào cả hai chân mình”.
Thứ ba, cho dù vậy, Thái Lan vẫn phải nỗ lực đẩy càng nhiều gạo ra thị trường càng tốt mới hy vọng hạn chế tình trạng “con nợ” hiện nay. Mà cách tốt nhất là tăng xuất khẩu gạo Homali chứ không phải gạo trắng vì giá gạo trắng từ đầu năm đến nay liên tục giảm trong khi giá gạo Homali liên tục tăng. Bán được một tấn gạo Homali lúc này sẽ thu được số tiền bằng 2,1 tấn gạo trắng.
Nguồn Pháp luật TPHCM