Dân Trí
Thai Beverage lên tiếng sau khi mua Sabeco
Vừa qua, công ty bia của Thái Lan là Thai Beverage (Thai Bev) đã chính thức mua lại 53,65% cổ phần của Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE:SAB) trong một thương vụ trị giá 4,8 tỷ USD.
Trước đó, đã có rất nhiều công ty bia nổi tiếng của nước ngoài như Heineken, Asahi, AB InBev, Kirin cũng rất quan tâm tới việc mua lại cổ phần Sabeco, nhưng tất cả đều từ bỏ thương vụ vì mức giá của Sabeco quá cao.
Thai Beverage nói gì về Sabeco?
Mới đây, Thai Bev đã gửi công bố thông tin về thương vụ đến Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Theo ThaiBev, Sabeco là doanh nghiệp có chất lượng cao với lịch sử hơn 140 năm, và có thương hiệu nổi tiếng như Bia Sài Gòn và Bia 333. Sabeco có thị phần lớn nhất trong ngành bia của Việt Nam và là một trong những công ty bia hàng đầu tại Việt Nam và ASEAN.
Ngoài ra, tình hình tài chính và kinh doanh của Sabeco là rất ấn tượng với tiềm năng tăng trưởng tốt. ThaiBev cho rằng thị trường bia Việt Nam là rất hấp dẫn. Đây là thị trường bia lớn nhất ASEAN và đứng thứ 3 ở châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản. Thương vụ vừa qua sẽ giúp Công ty tiếp cận ngay với các mạng lưới phân phối rộng khắp tại địa phương và đa dạng hóa về mặt địa lý cũng như mở ra cho ThaiBev một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất tại Đông Nam Á với dân số trẻ.
Thương vụ trên cũng phù hợp với Tầm nhìn tới năm 2020 của ThaiBev là củng cố vị thế là công ty nước giải khát lớn nhất Đông Nam Á. Theo ThaiBev, việc đầu tư vào Sabeco là rất phù hợp với truyền thống của công ty là sản xuất và phân phối thức uống có cồn.
Thai Bev cũng muốn phát triển mối quan hệ lâu dài với đội ngũ quản lý và các bên liên quan của Sabeco. Với kinh nghiệm và khả năng của Sabeco và ThaiBev trong lĩnh vực đồ uống, công ty của Thái Lan hy vọng sự kết hợp này sẽ giúp Công ty vươn mạnh ra khu vực và có thể cạnh tranh trên toàn cầu.
Giá cổ phiếu Sabeco giảm mạnh sau khi thoái vốn
Kể từ sau phiên thoái vốn thành công của Bộ Công thương, giá cổ phiếu SAB đã giảm mạnh từ mức 309.000đ/cổ phiếu xuống chỉ còn 249.200 đồng/cổ phiếu, mức giảm 20%.
Theo các môi giới thì lực bán xuất phát từ các tài khoản ngoại. Giới đầu tư đồn đoán rằng động thái này rất có thể liên quan đến Heineken, khi mà giờ đây ThaiBev đã nắm quyền chi phối Sabeco thì việc nắm giữ vài phần trăm cổ phiếu này cũng không còn nhiều ý nghĩa.
Biểu đồ giá cổ phiếu Sabeco. Ảnh: VnDirect |
Trước đó, các hãng bia nước ngoài quan tâm tới việc mua lại cổ phiếu Sabeco đều cho rằng giá cổ phiếu Sabeco là quá đắt. Mức PE của Sabeco hiện là 35 lần, cao hơn rất nhiều so với mức PE từ 18-21 lần của các hãng bia lớn của thế giới như Asahi, Carlsberg, và Heineken.
Theo dữ liệu giao dịch, trong 3 phiên qua, khối ngoại đã bán ròng khoảng 755 nghìn cổ phiếu Sabeco với tổng giá trị lên đến hơn 200 tỷ đồng. Trước đó, theo NCĐT lưu ý, giá cổ phiếu Sabeco đã tăng mạnh từ mức 280.000 đ/cổ phiếu vào ngày 15.11.2017 khi Bộ Công Thương công bố kế hoạch thoái vốn ở Sabeco, và tăng lên mức vào nhất là 339.000đ/cổ phiếu vào ngày 29.11.2017.
Những biến động như trên là một ví dụ kinh điển cho lý thuyết "mua vào khi có tin đồn, và bán ra sau khi có tin chính thức”.
Liệu thương hiệu Sabeco có biến mất?
Khi mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash&Carry, Tập đoàn TCC của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakd đã đổi tiên chuỗi siêu thị trên thành Mega Market.
Sau khi Thai Bev mua lại đa số cổ phần của Sabeco thông qua Vietnam Beverage, nhiều người đã lo ngại rằng thương hiệu bia Việt có thể biến mất. Trả lời về vấn đề này ông Bùi Trường Thắng, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: "Nếu mua vì thương hiệu thì người ta sẽ không bao giờ đánh mất hay là tự hủy đi thương hiệu đó vì như vậy họ sẽ tự phá vỡ mục tiêu của họ là mục tiêu về mặt kinh tế, còn nhà nước vẫn giữ 36% cổ phần Sabeco để giữ quyền phủ quyết, liên quan đến ngành nghề kinh doanh, đầu tư, quyền về thương hiệu. Đấy là một trong những giải pháp để bảo vệ thương hiệu bia Sài Gòn”.
Tìm hiểu kỹ hơn về quyền phủ quyết mà ông Thắng đã đề cập ở trên. Khoản 3, điều 104, Luật Doanh nghiệp, quy định rằng: “Quyết định của Đại hội cổ đông được thông qua khi được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận. Các quyết định về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác thì phải được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận”.
Theo những nhận xét trong công bố thông tin của ThaiBev gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore thì công ty này đánh giá cao truyền thống hơn 140 năm qua của Sabeco và với các thương hiệu bia nổi tiếng như Bia Sài Gòn và Bia 333.
Đây cũng là quan điểm của chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang. Trao đổi với báo chí, ông cho rằng dù doanh nghiệp Thái có làm chủ thì Sabeco cũng vẫn là một thương hiệu Việt, thị trường tiêu thụ chính vẫn là Việt Nam. Thương hiệu có sức sống riêng, việc giữ hay xóa bỏ một thương hiệu sau mua bán sáp nhập không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ DN mà căn cứ vào phản ứng của người tiêu dùng, người tiêu dùng còn ưa chuộng thì sẽ còn sống.
Một dẫn chứng mới đây là khi Hội đồng Quản trị Sacombank xin ý kiến về việc đổi mã cổ phiếu Sacombank từ STB, một thương hiệu đã tồn tại hơn 20 năm, thành SCM thì Đại hội đồng cổ đông Sacombank cũng đã không đồng ý vấn đề này.