baochinhphu.vn

 
Thứ Tư | 21/02/2018 16:55

Thaco khánh thành nhà máy sản xuất máy nông nghiệp

Nhà máy có tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhà máy được đầu tư xây dựng từ tháng 1/2017 trên diện tích 12.500 m2, với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Sản phẩm là các loại máy kéo nông nghiệp, máy gặt đập và các thiết bị canh tác phục vụ ngành nông nghiệp được kiểm soát bằng hệ thống quản lý chất lượng ISO-TS16949.

Trong giai đoạn đầu, Nhà máy có công suất thiết kế 2.000 máy kéo/năm, 3.000 bộ thiết bị canh tác và 1.000 máy gặt đập liên hợp. Nhà máy nhận chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn LS Mtron, hãng sản xuất máy nông nghiệp lớn nhất của Hàn Quốc, tỉ lệ nội địa hóa các linh kiện máy kéo đạt hàm lượng giá trị khu vực (RVC) đến 50%. 

Sản phẩm máy kéo được đưa ra thị trường trong nước với mục tiêu đạt 7% thị phần vào năm 2018 với 500 máy kéo và 38% thị phần với 2.100 máy kéo vào năm 2026. Ngoài ra, nhà máy sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm các loại máy nông nghiệp khác để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Philippines, Myanmar, Indonesia…

Năm 2018, cùng với việc khánh thành Nhà máy sản xuất máy nông nghiệp tại Chu Lai, THACO sẽ thiết lập hệ thống phân phối và bán lẻ trên toàn quốc và triển khai dự án khu công nghiệp chuyên về lúa và ngũ cốc tại tỉnh Thái Bình, liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp khác chuyên về cây ăn trái và cây công nghiệp để từng bước phát triển máy móc các loại nhằm cơ giới hóa và tổ chức sản xuất công nghiệp cho các sản phẩm nông nghiệp chuyên biệt theo nhóm như ngũ cốc, cây ăn trái và cây công nghiệp.

Trước đó, Thaco Trường Hải có kế hoạch liên doanh với Công ty Mặt Trời để thành lập một công ty kinh doanh từ Quy Nhơn ra miền Bắc, xây dựng khu công nghiệp hóa nông nghiệp. Trong đó, sẽ có 2 phân viện nghiên cứu về giống đặt ở Long An và Thái Bình, cùng với chuỗi nhà máy phân bón chuyên về hữu cơ, các nhà máy sản thiết bị, vật dụng cho nông nghiệp. Liên doanh cũng dự định sẽ xây dựng hệ thống vận chuyển chuyên dụng bằng đường thủy, đồng thời có các nhà máy chế biến, hình thành khu công nghiệp chế biến sau thu hoạch.