Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chứng kiến đại diện các nước ký RCEP qua hình thức trực tuyến. Ảnh: congthuong
Thách thức và cơ hội với Việt Nam từ RCEP
Theo Tiến sĩ John Walsh, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT, quy mô của thỏa thuận lẽ ra còn lớn hơn nếu Ấn Độ không rút khỏi đàm phán ở giai đoạn cuối, còn lại 10 quốc gia ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand bước vào lễ ký kết.
Đáng chú ý, đây là thỏa thuận đầu tiên có mặt 3 quốc gia thường xuyên bất đồng với nhau gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Về mặt địa chính trị, khả năng đóng góp của RCEP vào việc duy trì quan hệ hòa bình ở Biển Đông rất đáng được hoan nghênh.
Tiến sĩ John Walsh, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT. Ảnh: RMIT |
RCEP kết nối khu vực Đông Nam Á với các nước láng giềng lớn mạnh và có tầm ảnh hưởng nhất. Hiệp định thương mại tự do (FTA) này không chỉ bao hàm các sản phẩm nông nghiệp hay các mặt hàng sản xuất và lắp ráp, mà còn cả các dịch vụ và lĩnh vực thương mại điện tử - vốn dĩ hết sức hóc búa. Việc đàm phán một thỏa thuận như vậy rất phức tạp và không có gì đáng ngạc nhiên khi RCEP phải mất 8 năm mới đi đến thoả thuận ký kết.
RCEP sẽ tiếp nối các FTA mà ASEAN đang triển khai hiện nay, đồng thời mở rộng nguyên tắc đối xử tối huệ quốc trên phạm vi 15 quốc gia. Những tác động thương mại từ RCEP khá dễ dự đoán: hàng hóa, dịch vụ có khả năng cạnh tranh quốc tế sẽ được hoan nghênh trên toàn khu vực RCEP, đồng thời sẽ góp phần nâng cao sự thịnh vượng và số lượng việc làm trong khu vực. Tuy nhiên, những sản phẩm không thể cạnh tranh được sẽ buộc phải cải thiện hoặc bị đào thải khỏi thị trường. Như thường lệ, sẽ có người thắng và kẻ thua, và vai trò của chính phủ là hỗ trợ những bên thua cuộc.
Sự tham gia của Trung Quốc
Nhiều người lo ngại rằng thỏa thuận này là cách mới để Trung Quốc thống trị khu vực. Đúng là Trung Quốc có thể sẽ được hưởng lợi nhiều hơn các nước khác về mặt tuyệt đối, nhưng xét về mặt tương đối thì các nước như Việt Nam trên thực tế sẽ được lợi nhiều hơn.
Các thỏa thuận như RCEP về bản chất là đôi bên cùng có lợi nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các đối tác sẽ được hưởng lợi như nhau. Các quốc gia sẽ hưởng lợi trong những lĩnh vực mà họ có thế mạnh nhưng có thể lại thua thiệt ở lĩnh vực khác.
RCEP được xây dựng dựa trên các thỏa thuận mà ASEAN đã và đang thực hiện, và mở rộng chúng về mặt địa lý. Ảnh: VnEconomy |
“Liệu Trung Quốc có phải là ‘đạo diễn’ của cả quá trình hình thành hiệp định không?” Câu trả lời là không. RCEP được xây dựng dựa trên các thỏa thuận mà ASEAN đã và đang thực hiện, và mở rộng chúng về mặt địa lý. Thực tế, Trung Quốc đang chấp nhận làm theo cách các nước láng giềng phía nam đã và đang cấu trúc các mô hình thương mại và đầu tư của họ.
Chắc chắn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tăng nhờ RCEP, nhưng dòng vốn đầu tư từ các nước khác tham gia ký kết thỏa thuận cũng sẽ tăng lên. Đồng thời, các tập đoàn Việt Nam có thể tiếp bước những doanh nghiệp tiên phong như Viettel hay Vinamilk để giương cao ngọn cờ Việt Nam ra thị trường nước ngoài.
Hơn nữa, việc giảm bớt các rào cản nội bộ và thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ thúc đẩy các hàng hóa phức tạp di chuyển xuyên biên giới đồng thời nâng cao sức mạnh của các chuỗi giá trị khu vực. Theo đó, các khâu sản xuất khác nhau của cùng một mặt hàng có thể diễn ra ở Việt Nam, Thái Lan và Campuchia.
Tại sao Ấn Độ lại từ bỏ? Theo tuyên bố của Chính phủ Ấn Độ, một số điều khoản trong thỏa thuận khó thương lượng đến mức họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút khỏi đàm phán. Những vấn đề này bao gồm quan ngại về nguy cơ nền nông nghiệp Ấn Độ sẽ bị tổn thương, khả năng một số hàng hóa sẽ bị chuyển hướng hoặc gắn nhãn hiệu xuất xứ sai, cũng như gia tăng căng thẳng với Trung Quốc ở khu vực biên giới miền núi giữa hai nước.
Các tập đoàn Việt Nam có thể tiếp bước những doanh nghiệp tiên phong như Viettel hay Vinamilk để giương cao ngọn cờ Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Ảnh: Vietnamplus |
Tương lai phía trước
RCEP củng cố các thỏa thuận hiện có nhưng bản thân lại không cho thấy thay đổi mang tính cách mạng nội tại. Các xu hướng hiện tại sẽ được củng cố và hoạt động xuất nhập khẩu kỳ vọng sẽ được cải thiện dần dần. Những thỏa thuận thúc đẩy thương mại điện tử và đầu tư sẽ giúp đẩy mạnh số hóa nền kinh tế Việt Nam và chuyển dịch sang xã hội không tiền mặt.
Hy vọng rằng khu vực tư nhân của Việt Nam cũng sẽ thích ứng với những thay đổi bằng cách tăng cường số hóa trong chính tổ chức họ, để cả người dân và các tổ chức đều có thể cùng hưởng lợi.
Chẳng hạn, việc gia tăng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam cần được kết hợp với những sáng kiến của chính phủ nhằm đa dạng hóa nguồn và quy mô sản xuất năng lượng cho lưới điện quốc gia. Đây là những thay đổi vốn dĩ vẫn có thể đã diễn ra nhưng sẽ thuận lợi hơn khi RCEP được thực thi.