Phương pháp huấn luyện mang tính gắn kết cùng cách thức truyền đạt giàu năng lượng giúp các chuyên gia nâng cao khả năng quản lý nhân sự.

 
Mai Hân Thứ Tư | 24/04/2019 15:56

Thách thức của người lãnh đạo trong thời kỳ chuyển đổi

Khi thế giới xung quanh thay đổi nhanh chóng bởi sự tác động của công nghệ và số hóa, bắt buộc người lãnh đạo phải chọn “đột phá” hay “bị phá vỡ”.

Vào cuối năm 2008, CEO của Blockbuster, chuỗi dịch vụ cho thuê băng đĩa có tên tuổi lớn tại Mỹ từ thập niên 80s, đã từng tuyên bố “Cả Redbox và Netflix (dịch vụ xem phim trực tuyến) thậm chí đều không có cửa xuất hiện trên bản đồ cạnh tranh với chúng tôi”. Tuy nhiên vào năm 2010, doanh nghiệp này chính thức phá sản và bị soán ngôi bởi Netflix.  

Không chỉ riêng trường hợp của Blockbuster, thế giới đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp rớt hạng chỉ vì không chuyển đổi kịp thời trong thời kỳ số hóa, công nghệ hóa. Với mục tiêu giúp các doanh nghiệp có thể lập kế hoạch và thực thi hiệu quả trong thời kỳ chuyển đổi, VietnamWorks tổ chức buổi hội thảo tháng 4 với chủ đề “Thách thức trong chuyển đổi”, được dẫn dắt bởi Chuyên gia huấn luyện quốc tế Thomas Blackwell, đến từ tổ chức “Becoming your best global leadership”.

Chủ động dẫn dắt hay phó mặc?

Theo thống kê của tổ chức “Becoming your best global leadership” suốt hơn 40 năm hoạt động và khảo sát hàng trăm công ty trên toàn cầu, hiện nay chỉ có vào khoảng 20% người lãnh đạo có năng suất làm việc cao, 70% có năng suất bình thường và 10% đang làm việc với năng suất thấp hoặc không có.

Tổ chức này cũng chỉ ra lý do tạo nên những nhà lãnh đạo vĩ đại, và vì sao trong tổ chức lại có những người lại đạt thành tích cao hơn những người khác, đó là bởi vì họ có “nghệ thuật xoay chuyển tình tế”. Theo ông, trong bối cảnh thế giới xung quanh thay đổi nhanh chóng bởi sự tác động của công nghệ và số hóa, bắt buộc họ phải chọn “đột phá” hay “bị phá vỡ”.

Ông Thomas chia sẻ, những người lãnh đạo có tầm nhìn sẽ luôn hướng đến việc trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, họ biết cách xoay chuyển tình huống bằng cách chủ động tạo ra những hành động mang tính “đột phá” thay vì phó mặc cho doanh nghiệp sẽ “bị phá vỡ” bởi sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và thế giới quan.  

“Không kế hoạch” nghĩa là “đang lập kế hoạch để thất bại”

Ông Thomas cho rằng việc chuyển đổi thành công cần thiết phải có tầm nhìn rõ ràng và các bước thực thi cụ thể. Theo ông, nếu nắm được cách thức để lập 1 kế hoạch chuyển đổi khả thi thì có thể áp dụng được cho mọi vấn đề trong doanh nghiệp, cải thiện các mối quan hệ, hoàn thành những mục tiêu của cá nhân. Kế hoạch khả thi bao gồm 6 bước như sau:

  • Xác định tầm nhìn theo tiêu chí: mục tiêu cụ thể, đo lường được, trong khả năng đạt được, thực tế, thời gian hoàn thành.
  • Phân tích vấn đề thực sự đang gặp phải bằng cách tự hỏi ít nhất 5 lần “vì sao”, từ đó xác định được lý do cốt lõi của vấn đề.
  • Thảo luận để đưa ra nhiều phương án, sau đó phân tích những điểm lợi và hại của từng phương án, từ đó chọn ra một phương án duy nhất có thể giải quyết vấn đề một cách khả thi nhưng vẫn gắn liền với tầm nhìn đã xác định ban đầu.
  • Triển khai các bước thực thi cụ thể bằng cách xác định: ai là những người có liên quan, họ cần phải làm gì, và thời gian nào cần hải hoàn thành. Bên cạnh đó, vạch ra những rủi ro có thể xảy đến và phương án giải quyết cũng giúp cho kế hoạch khả thi hơn.
  • Cuối cùng là đánh giá kết quả liệu đã đúng với tầm nhìn ban đầu chưa, đồng thời triển khai bài học kinh nghiệm để áp dụng để cải thiện cho kế hoạch hiện tại (nếu chưa đạt được mục tiêu ban đầu) hoặc cho kế hoạch khác trong tương lai.

Chuyển đổi thành công phải hướng đến “trải nghiệm” của người xung quanh

Theo ông Thomas, cho dù tầm nhìn của việc chuyển đổi liên quan đến mục tiêu cá nhân hay cho tổ chức thì đều nên chú trọng “mang đến trải nghiệm tốt hơn” cho những người xung quanh. Đơn cử như với mục tiêu “làm sao để cải thiện các mối quan hệ”, ông Thomas đã lập kế hoạch hành động mỗi tuần nhằm mang đến “trải nghiệm tốt hơn” cho các mối quan hệ của mình bằng việc: lên lịch hẹn để gửi đi 3 tấm thiệp “cám ơn” đến 3 người bất kì trong danh sách người thân, đồng nghiệp, và bạn bè.

Theo ông, nếu doanh nghiệp sở hữu một dịch vụ chú trọng đến “trải nghiệm khách hàng” thì không chỉ sẽ mang đến sự hài lòng cho họ, mà còn tạo ra những “khách hàng trung thành”. Theo thống kê của tổ chức Becoming your best global leadership, những công ty ưu tiên tập trung vào trải nghiệm của khách hàng trong sản phẩm và dịch vụ có lợi nhuận cao hơn 60% so với đối thủ cạnh tranh.