Ảnh minh họa: TL.

 
Việt Hà Thứ Hai | 20/12/2021 20:36

Thách thức của ngành thép trong tương lai

Sản phẩm thép là một trong những mặt hàng bị nước ngoài khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giai đoạn 2016 – 2021, xuất khẩu thép của Việt Nam tăng trưởng bình quân khoảng hơn 20%/năm, trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm 12%/năm. Đặc biệt, hai năm qua, mặc dù phải đối phó với đại dịch COVID-19, song ngành thép Việt Nam vẫn có những bước bứt phá ngoạn mục.

 

10 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 6,5 triệu tấn thép, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện nay, thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra các thị trường lớn, như châu Âu, châu Mỹ…

Việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam khiến nhiều quốc gia chú ý và gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (phòng vệ thương mại). Từ năm 2004 đến tháng 10/2021, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại đối với thép xuất khẩu Việt Nam là 66 vụ, thậm chí, có nhiều vụ việc thép bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất áp dụng rất cao. Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, gần đây, Mexico nổi lên là thị trường khởi xướng nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại do kim ngạch xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường này gia tăng nhanh…

 

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhìn nhận, khi hàng hóa nói chung và thép nói riêng xâm nhập sâu vào các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nên việc đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại là điều dễ hiểu.

Trong giai đoạn đầu, khi đối mặt với các vụ kiện về phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp thép gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân là do nhận thức về phòng vệ thương mại còn hạn chế; năng lực để tham gia kháng kiện yếu, mức độ hiểu biết về các biện pháp này của doanh nghiệp vẫn chưa đầy đủ…

Tuy nhiên, tình trạng này đã dần được cải thiện trong 5 năm gần đây. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp đã tích lũy được kinh nghiệm trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại; một số doanh nghiệp đã dành nguồn lực thích đáng cho việc ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại, nhờ đó, đã thu được kết quả tích cực.

Mặc dù năng lực ứng phó phòng vệ thương mại của doanh nghiệp thép đã được cải thiện, tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, giai đoạn tới, nguy cơ và rủi ro kiện phòng vệ thương mại đối với mặt hàng này còn rất lớn do xu thế bảo hộ gia tăng. Theo đó, nếu bị áp thuế cao, sẽ hạn chế khả năng xuất khẩu của sản phẩm thép. Lo ngại hơn, các vụ việc không chỉ áp dụng trong một thị trường mà sẽ lan rộng ra nhiều thị trường khác. “Thách thức đặt ra đang rất lớn, doanh nghiệp cần chuẩn bị và có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện công tác quản trị, thiết lập các chuỗi giá trị để mở rộng không gian xuất khẩu, phân tán rủi ro phòng vệ thương mại ở một vài thị trường”, ông Đa đánh giá.

Có thể bạn quan tâm 

Liên minh mới trong bán lẻ

Nguồn Theo Hiệp hội Thép Việt Nam