Thách thức của ngành cao su
Năm 2014 được đánh giá là một năm đầy thách thức đối với ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su, đặc biệt, IMF dự báo tốc độ tăng GDP của kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,3% trong năm nay, giảm 0,1% so với mức dự báo đưa ra vào tháng 7/2014 tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài những thuận lợi do Chính phủ hỗ trợ các DN sản xuất cao su với lãi suất vay vốn lưu động hợp lý, nguồn cung nguyên vật liệu ổn định nên giá thành sản phẩm thấp so với các năm… Tuy nhiên, những khó khăn trước mắt không hề nhỏ buộc các DN sản xuất trong nước phải đưa ra những giải pháp chiến lược mới mong giữ vững được thị trường và phát triển trong tương lai.
Về nguyên liệu, ngành sản xuất cao su trong nước hiện nay tôi thấy nhiều bất cập do một số nguyên vật liệu chính phục vụ sản xuất sản phẩm săm lốp ôtô, đặc biệt đối với lốp ô tô tải radial do trong nước chưa sản xuất được hoặc chất lượng không đạt yêu cầu buộc các Cty phải nhập khẩu, bị áp thuế nhập khẩu từ 2-10% làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Nguồn cao su mua từ Tập đoàn Công nghiệp cao su VN áp dụng cơ chế hợp đồng dài hạn theo giá sàn SICOM hoặc Malaysia cao hơn 10% so với giá bình quân trong nước. Giá cao su thiên nhiên có xu hướng giảm nhưng giá các nguyên vật liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ lại có xu hướng tăng, mặt khác, do ảnh hưởng của tình hình Biển Đông nên những vật tư đang nhập khẩu từ Trung Quốc nay phải chuyển sang mua trong nước làm cho chất lượng và nguồn cung không ổn định, hoặc buộc phải nhập từ các nước tiên tiến nên giá mua cao làm tăng chi phí đầu vào.
Về thị trường, hiện nay sức mua của thị trường săm lốp ô tô thông qua đối tượng thay thế vẫn không có dấu hiệu tăng trưởng, trong khi đối tượng lắp mới đã giảm sút rõ rệt, các đơn vị lắp ráp hiện nay chủ yếu lắp các dòng xe du lịch và xe khách đường dài, còn xe tải nặng và tải nhẹ đang tồn kho rất nhiều (kể từ khi Nhà nước quản lý tải trọng xe, nhiều DN vận tải ngừng hoặc thu hẹp năng lực kinh doanh do không hiệu quả, nhiều DN sản xuất chuyển sang vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt và đường thủy).
Đặc biệt, hiện tượng gian lận thương mại đối với mặt hàng săm lốp ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đến nay vẫn chưa được giải quyết, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tiêu thụ của các DN trong nước, đặc biệt đối với dòng sản phẩm mới lốp ô tô radial.
Một trong những thách thức lớn đối với các DN sản xuất săm lốp xe Việt Nam những năm gần đây là nhiều hãng sản xuất lốp xe nổi tiếng của Thế giới như : Brigestone - Nhật; Michelin - Pháp ; Chengshin - Đài Loan ; Sailun - Trung Quốc… đã đầu tư nhà máy sản xuất hoặc thành lập Cty phân phối sản phẩm tại Việt Nam, do đó nhiều nhà phân phối trong nước đã được chọn làm đại lý chính thức với nhiều chính sách ưu đãi. Chính nguyên nhân trên đã làm suy yếu dần mạng lưới phân phối của các doanh nghiệp sản xuất lốp xe trong nước.
Để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Châu Âu ngoài việc phải đạt tiêu chuẩn EMARK, còn phải tuân thủ quy định REACH của EU đối với hóa chất và các sản phẩm có hóa chất, tuy nhiên đến nay hầu hết các DN VN đều chưa hoặc không thể đáp ứng được yêu cầu này. Đây sẽ là trở ngại rất lớn cho việc xuất khẩu lốp ô tô vào thị trường Châu Âu trong thời gian đến.
Nguồn DDDN