Dữ liệu của Diễn đàn Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2022 cho thấy, số lượng thương vụ M&A tại Việt Nam giảm từ 700 xuống còn khoảng 350. Ảnh: TL

 
Hà Cúc Thứ Hai | 28/11/2022 08:36

Thả ghim bản đồ M&A 2023

Thị trường M&A sẽ được thúc đẩy bởi xu hướng gia tăng người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu, cùng với tốc độ đô thị hóa.

Dữ liệu của Diễn đàn Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2022 cho thấy, số lượng thương vụ M&A tại Việt Nam giảm từ 700 xuống còn khoảng 350.

Giá trị các thương vụ cũng thấp hơn, từ trung bình 31 triệu USD/thương vụ năm 2021 xuống còn 16,5 triệu USD năm 2022, không có bóng dáng của các thương vụ tỉ USD như trước đây. Dữ liệu từ KPMG cũng cho thấy sự chững lại của các thương vụ M&A: trong 10 tháng năm 2022, tổng giá trị M&A tại thị trường Việt Nam đạt 5,7 tỉ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Tín hiệu mừng trong giai đoạn trầm lắng

Theo giải thích của ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam, một phần nguyên nhân là do nguồn tiền trên thế giới đang khan hiếm, chính sách tiền tệ chặt hơn, vấn đề lạm phát... Theo đó, thị trường M&A toàn cầu cũng trải qua giai đoạn trầm lắng. Dữ liệu GlobalData cho thấy, quý III/2022 là quý có hoạt động M&A toàn cầu kém nhất, với giá trị thương vụ giảm 48% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Tuy nhiên, theo ông Dominic Scriven, thị trường M&A tại Việt Nam có những tín hiệu đáng mừng. Bởi vì đầu tư ở Việt Nam khá đa dạng khi có nhiều giao dịch giữa các công ty trong nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đang thích ứng tốt và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xu thế mới về công nghệ, cơ chế thương mại, đổi mới sáng tạo... sẽ tạo ra những cơ hội mới.

Thực tế, giao dịch năm 2022 tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,3 tỉ USD. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm tiêu dùng (1,2 tỉ USD), bất động sản (gần 1 tỉ USD), công nghiệp (800 triệu USD). Đặc biệt, ngành năng lượng đang nóng dần đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 6 lần so với cả năm 2021.

Thời điểm hiện nay được cho là cơ hội cho nhà đầu tư có tiền mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn. Bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, cũng cho rằng vẫn có vốn rẻ từ các nhà đầu tư quốc tế sẵn sàng chảy vào bất động sản, nhưng họ phải tìm được dự án tốt để đầu tư. Thực tế, các thương vụ siêu M&A (có giá trị giao dịch trên 100 triệu USD) trong năm 2022 vẫn ghi nhận lĩnh vực bất động sản là điểm đến. Giao dịch lớn nhất trong năm là Capital Place ở trung tâm Hà Nội, được mua với giá trị lên đến 523,4 triệu USD. 

 

Điểm đến M&A sôi động

Sang năm 2023, lạm phát và lãi suất tăng, suy thoái kinh tế lan rộng trên thế giới sẽ khiến thị trường ngày càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, yêu cầu tiếp cận nguồn vốn đa dạng cho các dự án bất động sản, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam đã khiến thị trường M&A bất động sản luôn sôi động. “Khi các quy định về tín dụng cho ngành bất động sản có nhiều thay đổi, việc kêu gọi vốn qua hình thức M&A vẫn được các nhà đầu tư hướng đến”, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, nhận định.

Ngay cả khi tốc độ tăng trưởng chậm lại khoảng 6-6,5% vào năm 2023 và những năm sau đó, Việt Nam vẫn là ngôi sao đang lên trên thế giới. Trong bối cảnh đó, có thể kỳ vọng những cơ hội M&A tại Việt Nam vẫn sẽ hấp dẫn trong năm 2023. Thị trường đang chờ đợi một số thương vụ M&A nổi bật có thể liên quan đến Cholimex, Eximbank, Kido Group, Vietcombank... và một số doanh nghiệp nhà nước trong quá trình tái cấu trúc.

Đáng chú ý, nhà đầu tư Nhật nhiều năm qua đã trở thành khách hàng lớn tại thị trường M&A tại Việt Nam. Chỉ trong 2 năm trở lại đây, đã có 60 giao dịch M&A giữa các nhà đầu tư Nhật và Việt Nam. Hiện nay, các công ty Nhật tích lũy được nhiều ngoại tệ, bù trừ cho sự mất giá của đồng yen. Chưa kể lượng tiền gửi, tiền mặt của các nhà đầu tư Nhật lên tới 2.200 tỉ USD tích lũy qua 20 năm, trong khi lợi tức đầu tư trong nước thấp.

Thực tế, giao dịch năm 2022 tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,3 tỉ USD. Ảnh: Quý Hòa.
Thực tế, giao dịch năm 2022 tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,3 tỉ USD. Ảnh: Quý Hòa.

Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc Toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật), cho biết: “Chúng tôi dự đoán, các nhà bán lẻ Nhật như các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ tìm cách thiết lập và phát triển hoạt động tài chính tại Việt Nam dựa trên chuỗi cửa hàng bán lẻ đang tăng trưởng của họ”.

Dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân (PE) trên toàn cầu đang trở thành động lực chính thúc đẩy thị trường M&A tăng tốc. Theo một báo cáo năm 2022 của Bain & Company, các quỹ đầu tư tư nhân vào châu Á đang ở mức cao kỷ lục, lên tới 650 tỉ USD. Tại Việt Nam, PE và VC (đầu tư mạo hiểm) vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong các tháng đầu năm 2022, bất chấp những bất ổn trên thị trường vốn và nợ xấu. Đặc biệt, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ chứng kiến mức đầu tư trị giá khoảng 2 tỉ USD. 

Theo ông Yoshida, trong những năm tới, có các ngành hấp dẫn nhà đầu tư Nhật gồm thực phẩm, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, công nghệ số, bán lẻ, năng lượng và tài chính tiêu dùng. “Đặc biệt, nhà đầu tư Nhật quan tâm tới các startup trong bất kỳ ngành nào”, ông cho biết.