Giữa đại dịch, khám chữa bệnh từ xa càng được lựa chọn, tăng gấp 14 lần, theo khảo sát của Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Ảnh: TL.
Telehealth lên ngôi?
Mới đây, eDoctor, một startup chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chủ động (preventive healthcare), đã triển khai dịch vụ tư vấn sức khỏe từ xa miễn phí. Ông Vũ Thanh Long, Tổng Giám đốc eDoctor, cho biết, đây là cách để eDoctor hỗ trợ và giúp đỡ cộng đồng, trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đang khiến việc tiếp cận dịch vụ y tế của người dân càng trở nên khó khăn.
Trước nhu cầu y tế tăng mạnh trong đại dịch, các ứng dụng công nghệ chăm sóc sức khỏe chưa bao giờ sôi động như lúc này, với sự xuất hiện của hàng loạt ứng dụng như We Do Pulse, Google Fit, BMI Calculator, Vie Vie, Jio Health, Samsung Health, GlobeDr, ICNM, ViDoctor, Doctor Anywhere, Dr.OH Bệnh viện Đa khoa bỏ túi...
Sự trỗi dậy của Telehealth
Giữa đại dịch, khám chữa bệnh từ xa càng được lựa chọn, tăng gấp 14 lần, theo khảo sát của Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Nếu năm 2018-2019, nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế từ xa chỉ khoảng 12 triệu lượt truy cập thì sang năm 2020 đã tăng vọt hơn 168 triệu lượt.
Ở Việt Nam, Doctor Anywhere cho biết, nhu cầu tư vấn trực tuyến tại Doctor Anywhere đã tăng gấp 5 lần kể từ khi COVID-19 bùng phát. Hiện Doctor Anywhere đã mở rộng mạng lưới với 100 bệnh viện và phòng khám tư nhân, cùng khoảng 80 nhà thuốc.
Thực tế, khi công nghệ ngày càng tác động đến đời sống con người thì y học cũng đổi mới theo. Ảnh: TL. |
Thực tế, khi công nghệ ngày càng tác động đến đời sống con người thì y học cũng đổi mới theo. Telehealth, mà sâu rộng hơn là Telemedicine (gồm cả chẩn đoán, theo dõi người bệnh, can thiệp, đào tạo y tế từ xa...) đang là xu hướng mới trong ngành y. Các cơ sở y tế đã dựa trên những nền tảng kỹ thuật số và viễn thông để triển khai dịch vụ y tế từ xa. Chẳng hạn, Bệnh viện 199 Đà Nẵng, FV, Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhi Đồng 1... đều đã triển khai dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa.
Trước đó, người Việt từng biết đến dịch vụ y tế từ xa thông qua ứng dụng VOV Bacsi24. Viettel cũng đã cùng các bệnh viện tham gia xây dựng hệ thống Telehealth. Chỉ sau 1 năm, từ khoảng 30 bệnh viện tuyến trên làm hạt nhân, đến nay cả nước đã có hơn 1.500 điểm cầu kết nối.
Đối với các nhà đầu tư, dịch vụ y tế từ xa mở ra những cơ hội hợp tác, làm ăn mới. Tổ chức OECD cho biết, 3/4 các quốc gia thành viên đã ban hành luật, chiến lược và các chính sách về sử dụng dịch vụ y tế từ xa. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng nổ đã khơi nguồn dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Năm 2020, theo báo cáo của Savills Việt Nam, các nền tảng dịch vụ y tế từ xa đã chứng kiến dòng đầu tư vốn mạo hiểm khổng lồ, tăng 109% lên 3,7 tỉ USD.
Các startup trong mảng dịch vụ y tế từ xa như eDoctor, Jio Health, Docosan, Doctor Anywhere... đều nhận được vốn góp. Đơn cử, Jio Health tuy thành lập chỉ mới 5 năm và hoạt động chủ yếu tại TP.HCM nhưng đã huy động được 5 triệu USD từ Monk’s Hill Ventures. eDoctor cũng huy động được hàng triệu USD từ CyberAgent Capital, Genesia Ventures (Nhật), Bon Angles và Nextrans (Hàn Quốc). Docosan cũng nhận được 1 triệu USD từ AppWorks (Đài Loan).
Vẫn còn sơ khai
So với các khoản đầu tư hàng trăm triệu USD vào cùng lĩnh vực ở Singapore, Indonesia thì dòng vốn rót vào Telehealth Việt Nam vẫn còn e dè, dưới 10 triệu USD mỗi thương vụ.
Nguyên nhân là lĩnh vực Telehealth ở Việt Nam vẫn còn mới. Trong khi thế giới đã tiến bước trước và sâu hơn vào mảng dịch vụ y tế từ xa, với mạng lưới Metropolitan Area Network ở Mỹ, chương trình E-Health cùng chiến lược “y tế trên mạng” ở châu Âu và hàng trăm hệ Telehealth ở Nhật, thậm chí các tập đoàn y dược như CVS (Mỹ) cũng tổ chức mô hình HealthHub riêng.. thì tại Việt Nam, đến năm ngoái mới thiết lập được hệ thống Telehealth khá quy tụ và bài bản.
Mức độ ứng dụng Telehealth của Việt Nam cũng còn đơn giản. Một số bác sĩ thừa nhận, dịch vụ y tế từ xa ở Việt Nam hiện chỉ dừng ở tư vấn khám bệnh ban đầu cho các bệnh triệu chứng nhẹ như da liễu, dị ứng. Telehealth cũng mới hiệu quả trong tư vấn một số bệnh không yêu cầu thuốc kê toa, còn để khám chữa các bệnh nặng hơn như tim mạch, phổi, tiểu dường.. thì khó có thể trực tuyến.
Ngoài ra, muốn thực hiện Telehealth chuyên nghiệp và đa dạng dịch vụ (y tế gia đình, lưu trữ và truyền ảnh động, phòng cấp cứu ảo...), cơ sở vật chất kỹ thuật cho Telehealth phải đầy đủ. Ví dụ, các bên cần xây dựng hệ thống thông tin và lưu trữ hình ảnh PACS; bệnh án điện tử; hệ thống thông tin bệnh viện - HIS; hệ thống thông tin X-quang - RIS; hệ thống thông tin dược phẩm - PhIS; hệ thống hỗ trợ ra quyết định - DSS; hệ thống giám sát; hệ thống can thiệp từ xa...
Trước mắt, ông Colin Rees Smith, Giám đốc Bộ phận Hoạt động Thị trường vốn của Savills, dự đoán, dịch vụ chăm sóc y tế từ xa chỉ có thể làm giảm các cuộc hẹn trực tiếp khoảng 15%. Tuy nhiên, trong tương lai, với xu hướng toàn cầu và những đổi mới trong dịch vụ y tế từ xa theo hướng tăng cường các thiết bị tiện ích như máy theo dõi thể dục, máy đo huyết áp, đo nhịp tim, nhịp thở… thì Telehealth sẽ càng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người dân.