Techcombank và bài toán trần sở hữu
Đang có chuyển biến mới về sở hữu ở ngân hàng Techcombank, khi nhóm cổ đông lớn đăng ký bán ra tới hơn 10% số cổ phần đang nắm giữ. Đây là tỉ lệ không nhỏ, nhất là khi Techcombank là một ngân hàng tư nhân lớn trên thị trường. Giống như nhiều ngân hàng khác, trong quá khứ Techcombank cũng gặp tình trạng tỉ lệ sở hữu của một số cổ đông lớn vượt quá quy định của Ngân hàng Nhà nước. Giờ đây Techcombank đang phải tập trung giải quyết vấn đề này.
Vướng trần
Những nhân vật có mặt trong Hội đồng Quản trị Techcombank và những người liên quan đang đăng ký thoái vốn đồng loạt khỏi ngân hàng này. Có thể điểm danh những gương mặt quen thuộc như ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Nguyễn Thiều Quang. Không những nằm trong Techcombank mà những cổ đông này còn góp mặt vào Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Masan. Tổng số cổ phần dự kiến thoái là khoảng hơn 90 triệu cổ phiếu. Như vậy, sau khi thoái vốn thành công, tổng tỉ lệ sở hữu của nhóm cổ đông đăng ký thoái vốn này dự kiến sẽ giảm từ mức 10,77% xuống còn 0,49%.
Động thái thoái vốn này được xem là một bước đi của những người chủ ở Techcombank theo “hướng dẫn” của cơ quan nhà nước để đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần tại Ngân hàng, theo ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Techcombank. Cụ thể, tỉ lệ sở hữu của một nhóm cổ đông có liên quan không được vượt mức trần 20%.
Trên thực tế, các điều kiện này đã được quy định trong Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010. Theo đó, tỉ lệ sở hữu cổ phần tối đa (bao gồm cả phần vốn ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần cổ đông) lần lượt không vượt quá mức trần 5% (đối với cá nhân), 15% (đối với tổ chức kinh tế) và 20% (đối với những người có liên quan).
Mặc dù đã có luật từ lâu nhưng mãi đến Thông tư 06/2015 của Ngân hàng Nhà nước ban hành và có hiệu lực vào giữa tháng 7 vừa qua, các ngân hàng mới phải chịu sức ép điều chỉnh tỉ lệ sở hữu về mức quy định. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải có kế hoạch khắc phục tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn chậm nhất là đến cuối năm nay.
Chuyện vướng trần sở hữu đang gây nhiều rắc rối cho Techcombank. Khi vượt trần, các tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới cho cổ đông, nhóm cổ đông liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn.
Không chỉ vậy, Techcombank cũng sẽ khó thực hiện việc chuyển đổi trái phiếu phát hành từ năm 2010 (dự kiến vào đầu năm 2016), vì nếu thực hiện chuyển đổi trái phiếu, tỉ lệ sở hữu của các cổ đông lớn sẽ lại tăng lên. Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên năm 2015, Techcombank sẽ xử lý bằng cách hoặc là quyết định lùi thời hạn thực hiện, hoặc là phát hành trái phiếu mới kèm chứng quyền.
Techcombank cũng không phải là ngân hàng duy nhất trên thị trường vượt mức trần. Có thể liệt kê một số trường hợp điển hình là Tập đoàn Điện lực (EVN) sở hữu hơn 16% vốn của ABBank; PVN nắm giữ 51% vốn của PVComBank, 20% vốn ở OceanBank; Masan nắm giữ 19,5% vốn ở Techcombank. Trường hợp đáng kể là nhóm cổ đông của ông Trầm Bê với Ngân hàng Phương Nam. Về cá nhân sở hữu tỉ lệ cao, có thể kể đến trường hợp của bà Thái Hương đối với Ngân hàng Bắc Á (nắm giữ 7% vào thời điểm năm 2012). Trong khi đó, những cổ đông chiến lược nước ngoài được phép sở hữu cao hơn, tới 20%.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước công bố hồi tháng 6 năm ngoái, hệ thống vẫn có 5 ngân hàng có cá nhân vi phạm, 5 ngân hàng có tổ chức sở hữu vi phạm và 8/33 ngân hàng có nhóm cổ đông vi phạm quy định về tỉ lệ sở hữu. Trong khi đó, theo thống kê của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), các ngân hàng niêm yết không có tình trạng này.
Đến nay, các ngân hàng trên vẫn đang tích cực xử lý. Một số ngân hàng tăng vốn và giúp giảm tỉ lệ sở hữu, như trường hợp bà Thái Hương và Ngân hàng Bắc Á, Maritime Bank sáp nhập với MDB cũng giúp giảm tỉ lệ sở hữu. PVN thì chuyển phần vốn tại PVComBank cho Ngân hàng Nhà nước quản lý. Tương tự, Techcombank đang phải tự mình xử lý.
Kịch bản người mua
EVN nhiều năm rao bán số cổ phần tại ABBank nhưng đến nay vẫn chưa thể thoái vốn hoàn toàn. Trong khi đó, Techcombank lại có một quãng thời gian rất ngắn kể từ khi công bố bán công khai cho đến hạn định đặt ra của cơ quan quản lý.
Song Techcombank khác ABBank ở chỗ đây là một ngân hàng tư nhân ít nhiều có vị thế vững chắc tại thị trường Việt Nam. Hai năm gần đây Ngân hàng cũng gặp nhiều trục trặc về lợi nhuận và nợ xấu - tình hình chung của thị trường. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh năm 2014 trở lại đây thì lại cho thấy Techcombank đang dần phục hồi. Hoạt động tín dụng trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng đến 17% trong khi lợi nhuận sau thuế tăng gần 34% so với cùng kỳ, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2015.
Lợi nhuận sau thuế của Techcombank |
Hãy quay trở lại với thương vụ bán cổ phần của Techcombank, một câu hỏi lớn là liệu ai sẽ mua? Sẽ có nhiều kịch bản cho câu chuyện này.
Trên thực tế vẫn có những tập đoàn muốn nhảy vào ngân hàng. Khi nhiều ngân hàng nhỏ tái cấu trúc, rất nhiều tập đoàn nhảy vào như Doji, Đồng Tâm, Him Lam... Đáng chú ý là tham vọng nhảy vào thị trường ngân hàng của Kinh Đô với thương vụ “hụt” 1.000 tỉ đồng với Ngân hàng Đông Á. Với hơn 90 triệu cổ phiếu của Techcombank và mức giá khoảng 9.500 đồng/cổ phần (theo thống kê trên sàn OTC của SSI), số tiền này “vừa vặn” với mức đầu tư mà Kinh Đô dự kiến bỏ vào Đông Á.
Cũng cần lưu ý thêm rằng các cổ đông tư nhân lớn nhảy vào ngân hàng không hẳn là vì cổ tức, nhất là trong những năm gần đây ngân hàng luôn là nhóm chia cổ tức ở mức thấp và bị kiểm soát chặt chẽ. Riêng ở Techcombank, hơn 4 năm nay ngân hàng này có “truyền thống” không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Trong phát biểu của mình, ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Techcombank, nói rằng giao dịch nói trên hoàn toàn không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, cũng “không ảnh hưởng đến cơ cấu Hội đồng Quản trị và Ban lãnh đạo của Techcombank”. Hiện nay, cơ cấu cổ đông lớn của Techcombank gồm 3 nhóm lớn. Ngoài nhóm cổ đông Masan, còn có HSBC Việt Nam (nắm giữ gần 20%) và nhóm Tập đoàn Eurowindow do ông Nguyễn Cảnh Sơn lãnh đạo (nắm giữ hơn 9% theo báo cáo quản trị giữa năm 2014).
Hồi năm ngoái, HSBC Việt Nam đã rút đại diện khỏi Hội đồng Quản trị Techcombank, làm dấy lên nghi ngờ về chuyện cổ đông ngoại này thoái vốn. Tuy nhiên, HSBC Việt Nam vẫn để lại phần vốn này cho đến nay.
Nhóm cổ đông có liên quan đến Masan đăng ký bán đến ngày 11.12. Trong thời gian gấp như vậy khó có thể bán được số lượng lớn cổ phần ngân hàng nếu không có thỏa thuận từ trước. Nhìn ở góc độ này, biết đâu cổ đông hiện hữu là nhóm Eurowindow lại tăng cường mua thêm? Tỉ lệ nắm giữ của nhóm cổ đông này sau khi mua vào sẽ chưa tới 20%.
Nhưng nếu trong trường hợp không thể thoái vốn đúng kỳ hạn thì chuyện gì sẽ xảy ra? Theo Ngân hàng Nhà nước, biện pháp xử lý sẽ là không chấp thuận nhân sự liên quan dự kiến bầu vào cơ cấu nhân sự cao cấp của tổ chức tín dụng đó, không cho phép nhận cổ tức bằng tiền mặt với số cổ phần vượt giới hạn.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng mạnh tay với một số trường hợp có liên quan đến sở hữu cổ phần ngân hàng trong thời gian qua. Có thể kể đến trường hợp của PVN phải chuyển nhượng lại 51% cổ phần tại PVCombank cho Nhà nước quản lý.
Nhưng đó là tập đoàn nhà nước, còn với tư nhân có thể xem trường hợp của Sacombank hay Eximbank. Số cổ phần của nhóm cổ đông Trầm Bê tại Ngân hàng Sacombank hậu sáp nhập nay cũng đã được chuyển giao về cơ quan quản lý. Còn với Eximbank, ngân hàng này hiện vẫn đang trong quá trình chờ bầu cử Hội đồng Quản trị, sau vụ việc một nhóm cổ đông mới mua vào lượng lớn cổ phiếu ngân hàng.
Thiên Phong