Ngọc Thủy Thứ Ba | 29/05/2018 14:00

Techcombank giá bao nhiêu?

Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) sẽ niêm yết cổ phiếu TCB tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

 Theo thông tin từ ngân hàng này, thời điểm chào sàn dự kiến vào ngày 4.6 tới với giá chào sàn là 128.000 đồng/cổ phiếu.Mức giá này tương đương với giá bán thành công ở đợt chào bán 164 triệu cổ phiếu TCB cho các tổ chức nước ngoài.

Đây cũng là mức giá cao gấp 3-4 lần so với giá nhiều cổ phiếu ngân hàng hiện nay. So với giá cổ phiếu TCB đang giao dịch trên thị trường OTC thì giá bán này cũng cao hơn 8,5-10%. Theo tính toán của Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán SSI, tại mức giá 128.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư đang trả cho Techcombank khoảng 2,9 lần giá trị sổ sách năm 2018.

Như vậy, con số 128.000 đồng/cổ phiếu có thể gọi là cao, nếu so với mức trung bình ngành. Nhưng các tổ chức đầu tư như quỹ GIC của Singapore, Dragon Capital, Fidelity đã chấp nhận trả giá này để sở hữu cổ phiếu TCB và trở thành nhà đầu tư chủ chốt. Chỉ riêng nhóm này đã đăng ký mua 76% lượng cổ phiếu chào bán. Nếu tính hết danh sách các nhà đầu tư muốn mua, theo Techcombank, số lượng đặt mua đã vượt gấp nhiều lần con số chào bán.

SSI đánh giá, sự hiện diện của các tổ chức uy tín như GIC, Dragon Capital.. trong danh sách người mua đã tạo thêm giá trị thương hiệu cho Techcombank. Điều này cũng cho thấy, nhà đầu tư ngoại đánh giá cao tính hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam. SSI cũng cho rằng, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài luôn quan tâm tới những cổ phiếu có vốn hóa lớn. Với mức giá 128.000 đồng/cổ phiếu, tính ra, vốn hóa thị trường của Techcombank đã đạt đến 6,5 tỉ USD.

Techcombank gia bao nhieu?
 


Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank, tin tưởng các nhà đầu tư nước ngoài đã bị thuyết phục bởi mô hình kinh doanh và đội ngũ điều hành ở Techcombank. Quan trọng hơn, giới đầu tư đã rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu Việt Nam, cũng như tỉ lệ tiếp cận tài chính còn thấp, khiến cho ngành ngân hàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Còn nhớ giữa tháng 3 năm nay, trước khi tiến hành đợt chào bán hàng trăm triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, Techcombank đã đón chào một nhà đầu tư ngoại khác. Đó là Warburg Pincus, quỹ đầu tư nổi tiếng thế giới, đến từ Mỹ, từng rót vốn vào Vincom Retail và bắt tay lập liên doanh với VinaCaptail, Becamex IDC. Ở khoản đầu tư vào Techcombank, Warburg Pincus chịu chi ra  370 triệu USD, tương đương khoảng 8.400 tỉ đồng. Đây là thương vụ đầu tư lớn nhất của Warburg Pincus tại thị trường Đông Nam Á, kể từ khi tổ chức này hiện diện tại đây vào năm 2013. Về phần Techcombank đã có được nguồn tiền dồi dào để triển khai các chiến lược kinh doanh, nhằm vươn tới những mục tiêu tăng trưởng cao hơn. Ngoài khoản tiền thu được từ Warburg Pincus, qua đợt chào bán cổ phần cho các tổ chức ngoại, ngân hàng này còn thu về hơn 21.000 tỉ đồng, tức xấp xỉ 922 triệu USD. 
Techcombank đã tạo được sức hút, theo SSI, trước hết nhờ vào khả năng tăng trưởng tốt trong vòng 3-4 năm trở lại đây. Điển hình, 2017 là năm Techcombank đã đạt lợi nhuận cao nhất trong lịch sử, với hơn 8.000 tỉ đồng lãi trước thuế, tăng gấp đôi so với năm trước. Ông Nguyễn Lê Quốc Anh nhấn mạnh, đây là năm thứ hai Techcombank có mức tăng gấp đôi về lợi nhuận. Ngân hàng này cũng đứng đầu cả nước và trong top đầu khu vực về các chỉ số sinh lời, như ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) đạt 30,7%. Lãnh đạo Techcombank cho biết thêm, Ngân hàng cũng đã trích lập toàn bộ các khoản nợ bán cho VAMC nên từ nay trở về sau, Ngân hàng sẽ hoạt động bình thường, thậm chí có thể ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng vào lợi nhuận.
Sang năm 2018, Techcombank đặt mục tiêu tăng doanh thu 20%, tăng lợi nhuận trước thuế lên 24%, ước đạt 10.000 tỉ đồng. Đây là con số lợi nhuận ngang ngửa với nhóm “Big Four” ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV). Các mục tiêu về huy động vốn, tín dụng, tổng tài sản cũng sẽ tăng mạnh. Nợ xấu sẽ ở dưới 2%. Cơ sở cho các con số này dựa nhiều vào mảng kinh doanh dịch vụ.
Tiềm năng tăng trưởng, triển vọng tương lai của Techcombank nằm ở chiến lược ngân hàng bán lẻ, ngân hàng số, dịch vụ tiện ích, mà phần không nhỏ là cho vay mua nhà. Thêm vào đó, Techcombank đã và sẽ còn mở rộng nhiều dịch vụ, sản phẩm để phục vụ nhu cầu của 5,4 triệu khách hàng hiện có, tại 315 chi nhánh cả nước, nhằm tăng đóng góp từ thu phí dịch vụ. Chẳng hạn, năm 2017, phí hoa hồng bảo hiểm đã góp phần thúc đẩy tỉ trọng thu nhập phi thuần, từ 14,6% lên 23,2%. Tính chung, thu nhập ngoài lãi năm 2017 của Techcombank đã tăng mạnh từ chiếm 31,7% tổng thu nhập (năm 2016) vọt lên 45%. Cách thức này đã giúp Techcombank giảm rủi ro tín dụng, giảm phụ thuộc vào dư nợ.
Phải thế chăng mà thời gian qua, trên thị trường OTC, giá cổ phiếu TCB luôn được giao dịch ít nhất 90.000-100.000 đồng/cổ phiếu? Sau khi cổ phiếu TCB niêm yết, mức giá này sẽ còn biến động. Để biết mức giá nào là phù hợp và có thái độ đúng đắn, SSI cho rằng, nhà đầu tư nên xem xét giá trị nội tại của ngân hàng dựa trên mô hình kinh doanh và chiến lược của ngân hàng, sau đó so sánh với các ngân hàng khác. Lưu ý là mỗi ngân hàng có chiến lược, phân khúc khách hàng khác nhau nên sẽ không dễ đánh giá, so sánh. Tuy nhiên, nếu cẩn thận nhìn vào các chỉ số cơ bản như mức độ an toàn vốn, chất lượng tài sản, tăng trưởng lợi nhuận, khả năng sinh lời thì nhà đầu tư sẽ ít nhiều nhận biết được giá trị tương đối của mỗi ngân hàng và có lựa chọn chuẩn xác hơn.