Dự án Citrine Apartment. Ảnh: TDH.

 
Vũ Hoài Thứ Năm | 27/08/2020 14:40

TDH và câu chuyện thành phố Thủ Đức

Cổ phiếu TDH đã có diễn biến giá tích cực trong những phiên giao dịch gần đây.

Giá cổ phiếu bứt phá mạnh

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức ở phía Đông TP.HCM. Có thể thông tin này đã tác động tích cực đến diễn biến giá của Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (HOSE: TDH), một trong những doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án nhất tại Thủ Đức.

 

Chỉ trong 3 phiên giao dịch (24-26.8), giá cổ phiếu TDH đã tăng hơn 16,6% từ mức giá 7.160 đồng/cổ phiếu lên 8.350 đồng/cổ phiếu (kết phiên 26.8). Điều đặc biệt, giá trị giao dịch của cổ phiếu TDH trên thị trường cũng tăng rất mạnh.

Phiên giao dịch 25.8, khối lượng giao dịch khớp lệnh của cổ phiếu lên tới hơn 6,4 triệu cổ phiếu, là mức cao nhất kể từ khi cổ phiếu niêm yết tới nay. Bình quân trong 3 phiên giao dịch trên, có hơn 4,7 triệu cổ phiếu TDH được giao dịch, tương đương với giá trị khớp lệnh bình quân 38 tỉ đồng/phiên.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II vừa qua lợi nhuận sau thuế hợp nhất của TDH đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong báo cáo tài chính riêng quý II, TDH báo lãi sau thuế đạt hơn 34,1 tỉ đồng, tăng 188% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đạt được nhờ khoản từ chuyển nhượng vốn tại Công ty Cổ phần Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông Sản Thủ Đức và Công ty Phát triển nhà Phong Phú - Daewon - Thủ Đức.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính quý II, TDH đã chuyển nhượng toàn bộ 49% vốn cổ phần tại Công ty Cổ phần Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông Sản Thủ Đức cho Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Sản xuất Song Hoàng. Trong khi đó, khoản đầu tư này được ghi nhận giá trị hơn 48,2 tỉ đồng hồi đầu năm 2020.

Nguồn: TDH.
TDH đã chuyển nhượng vốn tại Chợ Nông Sản Thủ Đức. Nguồn: TDH.

Ngoài ra, TDH cũng giảm nguồn vốn đầu tư vào Công ty Cổ phần Phát triển nhà Daewon - Thủ Đức xuống còn 155,7 tỉ đồng (giảm 7,5% so với hồi đầu năm 2020).

Mặc dù ghi nhận khoản thu từ hoạt động chuyển nhượng trên, trong quý II/2030 lãi sau thuế hợp nhất của Công ty chỉ đạt mức 11,3 tỉ đồng, giảm tới 85,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình kết quả kinh doanh của Công ty, chi phí tài chính trong quý II tăng 108% so với cùng kỳ, trong khi TDH chưa kịp ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ dự án đã triển khai bán hàng thành công như Centum Wealth (dự kiến sẽ ghi nhận vào cuối năm nay) đã khiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Công ty giảm mạnh.

Bức tranh dài hạn

Theo đánh giá của ông Lại Đức Dương, Trưởng nhóm Phân tích ngành Bất động sản thuộc Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc thành lập thành phố Thủ Đức có thể sẽ khiến nhiều cơ sở hạ tầng tại quận Thủ Đức được xây dựng và phát triển hơn trong tương lai. Trong bối cảnh đó, sẽ là điểm tươi sáng đối với các cổ phiếu hiện đang và sắp sở hữu quỹ đất tại khu vực này.

 

Một trong những doanh nghiệp sở hữu nhiều nhất là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG), Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) hay gần đây có Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (HOSE: LDG) khi đơn vị này mới mua dự án từ QCG.

Tuy nhiên theo ông Dương, xu hướng sáp nhập này sẽ là bức tranh dài hạn, và sẽ chỉ tích cực khi có những động thái rõ ràng về việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại khu vực này.

Nhìn nhận về diễn biến chung của thị trường chứng khoán, ông Dương cùng các Chuyên viên phân tích ở Công ty Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng VN-Index có thể đạt ngưỡng 900 điểm vào cuối năm nhờ vào dòng tiền dồi dào ở trong nước trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, và trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, xu hướng giao dịch của nhà đầu tư ngoại cũng đã có cải thiện trong thời gian qua khi mà dòng tiền khối ngoại từ kênh ETFs bắt đầu ghi nhận hút ròng trở lại.

Cho nửa cuối năm 2020, VDSC cho rằng ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình cung - cầu của các nhóm ngành. “Chúng tôi đánh giá triển vọng các ngành nghề dựa trên các yếu tố như cung cầu, giá đầu vào, môi trường pháp lý, tiềm năng dài hạn, sự phát triển của công nghệ thông tin và tính cạnh tranh”, ông Dương cho biết.

Theo đó, một số nhóm ngành như công nghệ, khu công nghiệp, dược và điện được ông Dương và các chuyên viên phân tích của VDSC đánh giá tích cực. Tiềm năng tăng trưởng dài hạn được đánh giá là rất tích cực đối với hầu hết các ngành kinh doanh, đi cùng với dó là những cải thiện về môi trường pháp lý.

* Có thể bạn quan tâm 

►Petrolimex sẽ bứt phá giai đoạn cuối năm?