Tây Nguyên giải ngân 15.000 tỷ đồng vốn tín dụng
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách trên đã góp phần giúp cho 170.000 lượt hộ ở Tây Nguyên thoát nghèo, giải quyết việc làm ổn định cho 83.000 lao động và hỗ trợ cho 153.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay để yên tâm học tập.
Các Ngân hàng chính sách xã hội ở Tây Nguyên cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng 165.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, nhất là các địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hoạt động tín dụng chính sách ở vùng Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là chất lượng tín dụng chính sách chưa cao, chưa đồng đều giữa các tỉnh trong vùng, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm cao trong tổng dư nợ (chiếm 1,62%).
Nguyên nhân là do điều hành, tác nghiệp của một số chi nhánh, phòng giao dịch còn yếu và phần lớn hộ vay vốn ở các ngân hàng chính sách xã hội là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chưa có ý thức cao về tiết kiệm.
Các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác ở nhiều nơi chưa làm đúng các công đoạn đã được các Ngân hàng chính sách xã hội vùng Tây Nguyên ủy thác, đặc biệt là việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ vay vốn, giám sát việc sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn...
Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có 5 chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam cấp tỉnh, 56 phòng giao dịch cấp huyện, 694 điểm giao dịch cấp xã và gần 15.000 tổ tiết kiệm vay vốn.
Nguồn Vietnamplus