Taxi TP.HCM cố gắng giữ giá đến tháng 5.2013
Ngày 22.1, trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị tại hội nghị tổng kết hoạt động taxi TP.HCM năm 2012, ông Tạ Long Hỷ, chủ tịch hiệp hội Taxi TP.HCM, nói rằng “đúng ra khi quỹ bảo trì đường bộ tiến hành thu phí, các hãng taxi thành viên của hiệp hội sẽ tiến hành tăng giá cước nhưng lần này chúng tôi quyết định không tăng”.
Vì sao thưa ông?
Người dân đã gánh nhiều rồi. Hơn nữa, hiện nay mọi người đều khó khăn nên hiệp hội quyết định không tăng giá cước và chấp nhận phần thiệt thòi về mình. Đơn cử, tại hãng taxi mà tôi quản lý là Vinasun, với mức phí bảo trì đường bộ phải đóng thì một năm chúng tôi sẽ mất thêm 10 tỉ đồng. Con số thì lớn nhưng nếu chia nhỏ ra, với khả năng của mình (doanh nghiệp chịu thiệt một chút, tài xế, nhân viên chịu thiệt một chút), chúng tôi có thể chấp nhận được để giữ giá như cũ nhằm chia sẻ gánh nặng với hành khách. Đó cũng là một cách mà các hãng taxi, chứ không phải riêng chúng tôi chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng.
Nhưng nhiều người cho rằng, hiện tại, taxi muốn tăng giá cước nữa cũng khó, bởi trong năm vừa qua (năm 2012), do giá cước tăng liên tục nên nhiều người “bỏ” taxi. Ông nghĩ thế nào về cách lập luận này?
Đúng là trong năm 2012 mức vận chuyển hành khách của taxi TP.HCM có giảm, chỉ bằng 94,3% so với năm 2011. Tuy nhiên, điều này xuất phát từ nhiều lý do khác nữa chứ không chỉ từ việc tăng giá cước, vốn chiếm tỷ lệ rất ít.
Ông có thể nói rõ thêm về nguyên nhân khách quan khiến mức vận chuyển hành khách của taxi TP.HCM trong năm 2012 giảm so với năm 2011?
Đó chính là do tình hình kinh tế khó khăn. Nào là ngân hàng siết chặt khoản vay, chi phí đầu tư đầu vào (thuế trước bạ, thuế thu nhập doanh nghiệp) khiến không ít doanh nghiệp hoạt động taxi đứng bên bờ vực phá sản cũng như phải cắt giảm đầu phương tiện hay chuyển phương tiện về các địa phương khác hoạt động. Chẳng hạn, năm 2012, hai hãng taxi có thương hiệu ở TP.HCM là Mai Linh và Phương Trang đã cắt giảm không ít xe. Ngoài ra, các hãng như Happy, Sài Gòn Hoàng Long điều xe từ TP.HCM về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hoạt động… nên sản lượng vận chuyển hành khách của taxi TP.HCM giảm so với năm 2011.
Như vậy trong năm 2013 taxi không tăng cước?
Không. Tôi chỉ nói hiện tại chúng tôi không tăng giá cước. Đặt trường hợp năm 2013 giá xăng không tăng, nhưng tới đây khi lương tối thiểu tăng (dự kiến tăng 1.5.2013 – NV) thì buộc lòng chúng tôi phải tính tới chuyện tăng giá cước. Cụ thể, tại hãng taxi Vinasun mà tôi điều hành quản lý, nếu tăng lương tối thiểu lên thì chúng tôi phải chi thêm 20 tỉ đồng một năm. Khi đó, không tăng giá cước thì chúng tôi làm sao đảm bảo hoạt động.
Trong báo cáo của mình, hiệp hội kiến nghị Nhà nước công nhận taxi là phương tiện vận tải công cộng, giảm thuế. Ông có thể nói rõ hơn những kiến nghị này nếu được chấp thuận thì hành khách được lợi gì?
Từ trước tới nay, Nhà nước coi taxi là phương tiện riêng lẻ. Như vậy theo tôi là không đúng. Bởi thực tế, một năm taxi ở TP.HCM gánh vác trên 30% lượng vận tải hành khách so với tất cả các phương tiện khác. Rồi hàng năm taxi TP.HCM đóng góp hơn 700 tỉ đồng tiền thuế cho Nhà nước, góp phần giải quyết cho gần 40.000 lao động nhưng không được hưởng bất kỳ một chính sách gì mà còn bị hạn chế với việc không cấp mới phù hiệu này nọ là bất hợp lý. Và nếu không công nhận taxi là phương tiện vận tải hành khách công cộng thì cũng phải giảm thuế.
Trong kiến nghị lần thứ ba gửi Chính phủ, tổng cục Thuế, UBND TP.HCM, chúng tôi đề nghị các cơ quan trên xem xét giảm thuế trước bạ (thu thấp hơn xe cá nhân), thuế VAT chỉ thu 5% thay vì 10% như hiện nay, và cuối cùng là thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ nên thu 10% thay vì 25% như hiện nay. Nếu các kiến nghị trên được chấp thuận, thì giá cước taxi không những không tăng mà còn giảm. Còn nếu các kiến nghị trên không được đáp ứng thì buộc giá cước taxi ngày càng tăng cao và như thế ngoài việc đẩy không ít các doanh nghiệp taxi rơi vào thế phá sản còn khiến người dân phải tiêu tốn một khoản tiền chênh lệch không nhỏ khi sử dụng dịch vụ này.
(Theo Sài Gòn tiếp thị)