Thứ Tư | 09/03/2016 08:00

Tàu nhà hàng "bơi" về đâu?

Tỉ suất lợi nhuận của mô hình kinh doanh tàu nhà hàng là 30-40%.

Trên lầu 3 của con tàu rực rỡ ánh đèn rẽ nước xuôi theo sông Sài Gòn, một nhóm doanh nhân vui vẻ cụng ly và thưởng thức bữa tối, thỉnh thoảng không quên trao đổi về thương vụ làm ăn cả nhóm đang theo đuổi. Xắn nhẹ tay áo sơ-mi, ông Nguyễn Quang Minh, giám đốc một doanh nghiệp ở TP.HCM, cho biết trong tháng ông thường đưa đối tác lên tàu nhà hàng dùng bữa vài lần. “Họ rất thích không gian thoải mái như thế này”, ông giải thích.

Năm 2015, theo thống kê, doanh thu du lịch của TP.HCM đạt 94.600 tỉ đồng. Trong đó, tỉ trọng doanh thu đến từ du lịch đường thủy được một số chuyên gia nhận định khoảng 20-30%. Sở hữu 1.000 km kênh, rạch và có 2 con sông lớn Sài Gòn và Đồng Nai chảy qua, rõ ràng TP.HCM đang có rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế, du lịch đường thủy.

Không giống như cảnh các diễn viên mặc trang phục lộng lẫy dùng bữa trên boong tàu xa hoa thường thấy trong phim, mô hình tàu nhà hàng tại TP.HCM hướng đến đối tượng người tiêu dùng cấp trung, vốn là miếng bánh thị phần đang mở rộng. Theo một khảo sát do MasterCard thực hiện năm 2015, hơn 80% người Việt ưu tiên chọn các quán ăn tầm trung hơn là những nhà hàng sang trọng. Tàu nhà hàng là mô hình đáp ứng được tiêu chí này. Mỗi thực khách chỉ cần trả 35.000 đồng tiền vé tàu và từ 400.000 đồng trở lên cho một bữa ăn từ khai vị đến tráng miệng. Nhờ chi phí tương đương bữa ăn ở một nhà hàng tầm trung trên cạn, nhưng lại được vi vu trong không gian thiên nhiên thoáng đãng, tàu nhà hàng từ lâu đã trở thành phương tiện đổi gió được nhiều người yêu thích.

Ngôi nhà chung của các tàu nhà hàng ở TP.HCM hiện nay là Cảng Sài Gòn, số 5 Nguyễn Tất Thành (quận 4). Tại bến đậu này hiện có 3 tàu nhà hàng của đội tàu Đông Dương, tàu Sài Gòn của Làng du lịch Bình Quới, tàu Elisa của Công ty Hào Huy và tàu Bến Nghé của Công ty Du lịch tàu Bến Nghé. Mỗi ngày, các tàu mở cửa đón khách từ 6 giờ chiều, đa phần là khách đoàn từ các công ty du lịch và khách lẻ đặt chỗ trước. Sau đó, tàu nhổ neo và chạy dọc theo bờ sông Sài Gòn trong vòng một tiếng. Trong thời gian tàu chạy, thực khách sẽ được thưởng thức các món ăn theo hình thức buffet hay phục vụ tại bàn. Vì mục đích chính là kinh doanh ăn uống, nên danh tiếng của các tàu nhà hàng cũng được đánh giá dựa trên chất lượng món ăn và cung cách phục vụ.

Lấy tàu Sài Gòn làm ví dụ. Toàn bộ nguyên liệu chế biến món ăn phải được chuẩn bị, sơ chế trước khi tàu xuất bến. Trong thời gian tàu chạy, 30 nhân viên phục vụ, 15 quản lý và 18 nhân viên tổ bếp phải làm việc hết công suất để đảm bảo thức ăn được chế biến nhanh chóng, dọn ra nóng sốt cho hàng trăm thực khách trên tàu. Ngoài ra, thực khách còn được thưởng thức các tiết mục giải trí khác nhau. Ở tàu Sài Gòn, tầng 1 và tầng 2 phục vụ nhạc sống, còn tầng 3 là nơi biểu diễn nhạc flamenco, hòa tấu...

Liên quan đến bài toán đầu tư, theo tìm hiểu của người viết, những con tàu nhà hàng bằng sắt có kích thước trung bình đang hoạt động (dài hơn 50 m, rộng 10 m và cao 10 m) cần từ 60-70 tỉ đồng để đóng. Riêng Elisa, con tàu có kích thước lớn và được đầu tư quy mô nhất trong các tàu nhà hàng tại TP.HCM, đã có vốn đầu tư ban đầu hơn 100 tỉ đồng.

Về khả năng khai thác, các tàu Sài Gòn, Bến Nghé, Elisa có sức chứa từ 600-900 hành khách. Con số này ở các tàu nhỏ ít hơn, từ 50-300 khách. Trung bình hằng đêm, các tàu nhà hàng lấp đầy được 65-70% chỗ ngồi. Còn trong các mùa cao điểm (xuân và hè), các tàu phải tăng gấp đôi số chuyến để đáp ứng được nhu cầu thực khách.

Một nhà điều hành có nhiều năm quản lý tàu nhà hàng (không muốn nêu tên) cho biết, tỉ suất lợi nhuận của mô hình kinh doanh tàu nhà hàng là 30-40%. Giả sử mỗi tàu nhà hàng đón được 300 khách/đêm, trừ đi chi phí vốn, lương nhân viên, chi phí bến bãi, bảo trì tàu... thì sau 4-5 năm, chủ đầu tư sẽ thu hồi được vốn. Tuy nhiên, điều kiện cần là tàu nhà hàng phải có sự liên kết chặt chẽ với các công ty cung cấp tour du lịch để đảm bảo lượng khách ổn định, cũng như thực hiện nhiều biện pháp quảng bá hiệu quả nhằm thu hút được khách lẻ.

Sau sự kiện chìm tàu Dìn Ký năm 2011, công tác kiểm tra đảm bảo an toàn cho các tàu nhà hàng cũng được quan tâm hơn bao giờ hết. Ông Chiêm Hoàng Long, Giám đốc Làng du lịch Bình Quới, cho biết tàu nhà hàng phải được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ hằng tháng. Cách mỗi 2 năm, các tàu sẽ được kiểm tra toàn bộ và thay thế, sửa chữa các bộ phận xuống cấp. Còn ông Nguyễn Hải Linh, chủ đầu tư tàu Elisa, trong một buổi phỏng vấn từng cho biết yếu tố an toàn là chuyện sống còn. “Elisa được thiết kế 2 phao cập mạn xung quanh sâu 3 m, dài 30 m để làm tăng thể tích, trọng lượng khối đế, giúp tàu có hệ số ổn định cao trong mọi điều kiện thời tiết cũng như không nghiêng khi đám đông dồn sang một bên mạn”, ông nói.

Dù tàu nhà hàng là một mô hình kinh doanh khá hiệu quả, mối lo hiện tại của các chủ đầu tư lại là địa điểm neo đậu. Trước tháng 2.2015, chỗ neo đậu của các tàu nhà hàng là bến Bạch Đằng nằm dọc đường Tôn Đức Thắng, quận 1. Từ khi bến đậu này ngừng hoạt động để chỉnh trang, quy hoạch, các tàu phải tìm nhà mới. Cảng Sài Gòn ở quận 4 là sự lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, tiền bến bãi ở đây khá cao đang làm các chủ đầu tư lo lắng. Theo đại diện tàu nhà hàng Đông Dương, để trả 120 triệu đồng tiền bến bãi mỗi tháng, Công ty phải thực hiện nhiều biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, tính toán lại kế hoạch kinh doanh, tăng năng suất làm việc của nhân viên và triển khai nhiều hoạt động mới để tăng doanh thu.

Cùng là hình thức tàu nhà hàng, nhưng tùy thuộc vào địa danh khác nhau, tàu nhà hàng sẽ để lại những dấu ấn khác nhau. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tàu nhà hàng ở các thành phố Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang... luôn để lại ấn tượng về những dòng sông mênh mông phù sa và tiếng đờn ca tài tử Nam bộ ngọt ngào. Còn tàu nhà hàng tại Đà Nẵng lại có khả năng gây choáng ngợp khi du khách có thể chiêm ngưỡng những cây cầu treo hiện đại của thành phố về đêm. Nhìn sang Thái Lan hay Singapore, tuy không có được lợi thế đường sông đẹp và đa dạng như TP.HCM, nhưng mô hình tàu nhà hàng ở những nơi này được liên kết với nhiều mắt xích khác như du lịch đường bộ, trạm dừng chân 2 bên bờ hay các trung tâm thương mại, tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ làm cho du khách rất thích thú và muốn quay lại nhiều lần.

Hãy trở lại với TP.HCM, có thể nói, tàu nhà hàng nói riêng và du lịch đường thủy nói chung vẫn là những loại hình kinh doanh ổn định, còn nhiều đất để phát triển. Chắc chắn, một bến neo đậu thuận tiện để đón trả khách và kế hoạch dài hạn liên kết chuỗi giá trị du lịch đường sông từ phía các ngành chức năng là điều các chủ đầu tư tàu nhà hàng mong mỏi.

Lan Anh