Tàu cao tốc Superdong: Nối đồng bằng với Côn Đảo
Côn Đảo mùa hè tấp nập khách trong và ngoài nước. Có rất nhiều lựa chọn khám phá tại điểm đến còn nguyên sơ này, khách có thể chọn tour băng rừng khám phá hệ sinh thái tự nhiên, qua đêm bên bờ biển nghe sóng vỗ ở hòn Bảy Cạnh. Hay từ Bãi Ông Đụng du khách có thể thuê cano của Trạm Kiểm lâm tham quan các đảo lân cận như Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, bơi lội xem san hô và xem chim biển bay lượn...
Nếu như trước đây, để đến với Côn Đảo, người dân và khách du lịch ở miền Tây chỉ có thể chọn 2 cách đi máy bay hoặc tàu cao tốc từ Vũng Tàu. Dù Côn Đảo có nhiều yếu tố, cơ sở thuận lợi để phát triển du lịch, song giao thông giữa Côn Đảo với đất liền vẫn còn cách trở, nhất là vào dịp cuối tuần khi nhu cầu đi lại của khách tăng cao, máy bay và tàu thủy đều khan hiếm vé.
Dự án tàu cao tốc từ Trần Đề - Côn Đảo vì thế đang thu hút được sự quan tâm của nhiều công ty du lịch, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Côn Đảo cách Vũng Tàu gần 100 hải lý, trong khi cách bờ biển Trà Vinh - Sóc Trăng chỉ hơn 40 hải lý.
Hành trình từ Sóc Trăng đi Côn Đảo bằng tàu cao tốc đã rút ngắn được hơn 50%, chỉ với hơn 2 giờ di chuyển, nối liền ước mơ trong nhiều năm nay của ngành du lịch ở khu vực miền Tây. Dự án dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 6 này, được đánh giá đáp ứng quy hoạch phát triển du lịch biển của tỉnh Sóc Trăng và cả huyện Côn Đảo.
Dự án bến tàu Trần Đề có tổng mức đầu tư 90 tỉ đồng, được xây dựng trên khuôn viên hơn 3,6ha tại ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, gồm các hạng mục như tàu cảng, kè bờ, nhà ga bán vé, nhà chờ, nhà hàng, quán cà phê, phòng đọc sách, bãi xe, nhà nghỉ cho nhân viên, khách sạn, công viên, khu vui chơi giải trí... Theo bà Quách Hồng, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Superdong - Kiên Giang, tàu cao tốc Superdong Côn Đảo I với tổng mức đầu tư khoảng 50 tỉ đồng, được đóng tại Malaysia, có sức chứa 306 hành khách và chạy trong điều kiện biển động cấp 8, sóng biển cao 6m, tốc độ 25-27 hải lý/giờ.
Dự kiến trong 6 tháng đầu, Công ty sẽ vận chuyển khoảng 30.000 lượt khách qua lại giữa Sóc Trăng và Côn Đảo. Hiện nay, Superdong cũng đã tiếp tục đặt đóng tàu Superdong Côn Đảo II, dự kiến hoạt động từ quý I/2018 và tùy theo nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, Superdong sẽ nghiên cứu để đóng phà vận tải từ Sóc Trăng.
Thời gian gần đây, du lịch biển tại các tỉnh miền Tây đã và đang được khai thác với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Như vùng biển Kiên Giang với các điểm tại Hà Tiên, Ba Hòn, các đảo Hải Tặc, Hòn Sơn, Hòn Tre, Nam Du góp phần giảm tải lượng du khách cho Phú Quốc. Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh là du lịch sông nước, còn du lịch biển thì không phát triển mạnh so với các tỉnh miền Trung.
Việc khai thác tuyến nối với Côn Đảo đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành. “Tuy chưa hoạt động nhưng đến nay lượng khách đã liên hệ để biết thông tin tour đã có hàng trăm khách”, ông Trang Hữu Toàn, Giám đốc Công ty Du lịch Hữu Toàn, cho biết. Đại diện một công ty du lịch khác cũng cho rằng tuyến này mới nên hiện đã được nhiều sự quan tâm của một số công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng cho nhân viên thường niên. Nhiều đại lý du lịch dự đoán có thể diễn ra tình trạng “cháy vé” trong một vài tháng đầu khi mới đưa vào hoạt động tàu.
“Tính từ Cần Thơ về tới bến tàu tại Sóc Trăng chỉ khoảng 90km, sau đó có thể lên tàu sang Côn Đảo nên dự đoán nhiều công ty sẽ triển khai”, bà Phan Thùy Dương, Giám đốc Công ty Du lịch Xuân Mai (Cần Thơ), cho biết. Trước đây, nếu không đi bằng tàu cao tốc, tại cảng Trần Đề có tàu khách vận chuyển hàng hóa và người dân qua lại đảo nhưng không được đưa vào khai thác rộng rãi. Mặt khác, các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Bạc Liêu, Bến Tre, Vĩnh Long... khách có nhu cầu đi Côn Đảo phải đi bằng máy bay với chi phí cao hoặc ra Vũng Tàu sau đó di chuyển bằng tàu cao tốc.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, trung bình mỗi năm, tỉnh này đón khoảng 1,2 triệu lượt khách. Với vị trí hiện tại sẽ khá thuận tiện để các tỉnh, thành vận chuyển khách du lịch để thông cảng sang huyện đảo. Các địa phương cùng chia sẻ lợi ích từ hoạt động của bến tàu, cộng hưởng với điều này, sẽ là cơ hội để Côn Đảo thay đổi được giá trị trung bình chỉ 440.000 lượt khách mỗi năm. Trong Tạp chí Travel & Leisure số gần đây, Côn Đảo đã xuất hiện với vị trí đầu tiên trong danh sách bình chọn những hòn đảo hứa hẹn nhiều trải nghiệm lý thú đối với khách du lịch thế giới.
Có thể thấy, Côn Đảo, ngoài việc giữ được nét đẹp hoang sơ, còn là nơi sinh sản trú ngụ của nhiều loài động vật quý hiếm. Khai thác đi đôi với bảo tồn là yếu tố quan trọng trong đầu tư du lịch. Do đó với lượng khách tăng đột biến trong khi Côn Đảo mặc dù từ lâu đã được khai thác du lịch nhưng nhìn chung vẫn còn khá xa so với Phú Quốc sẽ phần nào hạn chế trong việc phục vụ lượng khách hàng chục ngàn lượt.
Vườn Quốc gia Côn Đảo năm 2016 hạn chế đón khách vì đang cải tổ, cơ cấu lại bộ máy, hoàn thiện quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ, sử dụng bền vững khu Ramsar. Tuy nhiên, đã có 21.182 lượt khách tham quan, trong đó có 4.007 lượt khách quốc tế, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Đơn vị này hiện đang tập trung quảng bá, giới thiệu về du lịch sinh thái và thu hút có chọn lọc dòng khách du lịch có ý thức chung tay vào công tác bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường cảnh quan.
Theo Ban Quản lý các Khu Du lịch huyện Côn Đảo cũng tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng như mở rộng, nâng cấp cảng Bến Đầm, đường trục phía Bắc trung tâm Côn Đảo; đầu tư nhà máy xử lý rác thải và hệ thống thu gom xử lý nước thải khu trung tâm... đồng thời tích cực kiến nghị Trung ương nâng cấp đường băng sân bay Côn Đảo đủ điều kiện đón máy bay 150 chỗ ngồi phục vụ nhu cầu của khách du lịch đang ngày một tăng.
Đức Tài