TAS: Ngân hàng và nhà đầu tư cùng bị lừa?
Theo đơn tố cáo, từ cuối năm 2010, Công ty cổ phần chứng khoán Tràng An (TAS) đã ký nhiều hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Tài chính Điện Lực (EVNFinance). Theo hợp đồng này, EVNFinance ứng tiền để thanh toán tiền mua chứng khoán đã khớp lệnh với tài sản đảm bảo là cổ phiếu niêm yết được cầm cố; còn TAS thực hiện việc quản lý và xử lý cổ phiếu (khi giá trị chứng khoán bảo đảm giảm xuống 20% mà nhà đầu tư không nộp thêm tiền vào tài khoản để đảm bảo tỷ lệ, TAS phải thông báo và phối hợp với EVNFinance bán chứng khoán của khách hàng để tất toán hợp đồng).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số lãnh đạo và nhân viên của TAS đã làm hồ sơ khống về cổ phiếu niêm yết. Bằng cách tương tự, thông qua 8 người thân có tài khoản mở tại TAS, ký hợp đồng hợp tác với EVNFinance. Sau đó TAS xác nhận khống cổ phiếu niêm yết có trong tài khoản của những cá nhân trên để cầm cố vay tiền.
Kinh doanh chứng khoán thua lỗ, họ không trả được nợ và EVNFinance cũng không có cổ phiếu để bán thu hồi nợ khiến EVNFinance bị thiệt hại hơn 56 tỷ đồng.
Đối với trường hợp của Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank - HBB cũ), năm 2011, Habubank có chủ trương ủy thác cho các nhà đầu tư vốn để đầu tư kinh doanh cổ phiếu, với lãi suất 20%/năm, được bảo đảm bằng việc cầm cố cổ phiếu niêm yết.
Đơn tố cáo có trình bày, một số lãnh đạo của TAS đã thông qua 4 nhà đầu tư có tài khoản giao dịch mở tại TAS là: N.C.T (041C003xxx), Đ.T.H (041C002xxx), P.T.P (041C002xxx) và T.T.T.L (041C003xxx) để vay vốn của Hububank. Habubank đồng ý ủy thác tiền vốn để nhà đầu tư quản lý, kinh doanh, với lợi tức ủy thác là 20%/năm và thời gian là 180 ngày. Để bảo đảm nghĩa vụ tài chính, nhà đầu tư phải cầm cố cổ phiếu niêm yết có trị giá lớn hơn 175% so với số vốn đã nhận ủy thác.
Hợp đồng cầm cố chứng khoán niêm yết được thực hiện với 4 bên là: Habubank - bên nhận cầm cố (bên A); bên cầm cố (bên B); TAS với vai trò quản lý tài sản cầm cố (bên C) và bên nhận ủy thác đầu tư (bên D), với nội dung của hợp đồng là: Bên B tự nguyện đưa cổ phiếu niêm yết để bảo đảm nghĩa vụ nhận ủy thác của bên D.
Trên thực tế, bên B là các nhà đầu tư chứng khoán có tài khoản giao dịch tại TAS. Họ không tham gia ký các thỏa thuận này nhưng đã bị giả chữ ký trong hợp đồng bởi một số lãnh đạo và nhân viên tại TAS để thực hiện hồ sơ cầm cố. Khi Habubank giải ngân cho 4 nhà đầu tư trên thì số tiền vay được này lại bị sử dụng để đầu tư cổ phiếu kiếm lợi nhuận cho những cá nhân khác.
Hết thời gian ủy thác, đầu tư thua lỗ khiến bên D không thể thanh toán cả gốc và lãi, Habubank đã đòi TAS phải bồi thường thiệt hại tổng cộng hơn 21 tỷ đồng.
Được biết, báo cáo kiểm toán 2011 của TAS có ghi, tại thời điểm 31/12/2011 thì TAS có hơn 110 tỷ đồng nhận nợ lại và cho khách hàng khác vay. Cụ thể, đây là số tiền mà một số nhà đầu tư đứng tên vay bằng việc cầm cố, thế chấp chứng khoán tại TAS. Tuy nhiên TAS đã sử dụng số tiền này cho những nhà đầu tư khác vay (không phải là nhà đầu tư đứng tên vay với tổ chức tín dụng). Trong đó, có đến 97 tỷ đồng là nợ quá hạn từ 5 đến 9 tháng.
Tiền và chứng khoán của nhà đầu tư... lạc lối!
Cũng theo đơn phản ánh, tại ngày 30/12/2011, chứng khoán của nhà đầu tư với tổng trị giá 27,39 tỷ đồng đã bị bán trộm. Đến ngày 23/4/2012, công ty mua lại chứng khoán trả cho nhà đầu tư và giảm số lượng nợ xuống tương đương 15,9 tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm 15/,5/2012 theo báo cáo của một công ty kiểm toán độc lập thì số chứng khoán bị Ban giám đốc TAS bán trộm còn phải trả cho nhà đầu tư là 39,35 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quá trình kiểm toán, công ty kiểm toán độc lập và bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty phát hiện có rất nhiều tài khoản của khách hàng trước thời điểm 1/1/2012 được dùng làm tài khoản nguồn vốn của công ty, nhưng sau thời điểm này lại không còn là tài khoản nguồn nữa. Như vậy, từ những tài khoản nguồn dùng vốn của công ty bây giờ lại chuyển thành tài khoản của cá nhân dẫn đến khoản phải trả cho khách hàng tăng lên 23,44 tỷ đồng.
Theo lý giải của nhóm cổ đông tố cáo, nguyên nhân của sự việc này là do ban giám đốc TAS đã chỉ đạo cho bộ phận kế toán và môi giới dùng tiền của công ty đầu tư cổ phiếu trên các tài khoản cá nhân hoặc ghi tăng cổ phiếu trên các tài khoản này rồi bán số cổ phiếu này đi để trang trải nợ nần trước khi cổ đông mới tham gia.
Theo cổ đông, lợi dụng quá trình tái cơ cấu, Ban giám đốc TAS đã chỉ đạo làm tăng các khoản phải trả thông qua các tài khoản cá nhân đã bán và yêu cầu công ty mua lại số cổ phiếu đó nhằm chiếm đoạt làm của riêng. Cụ thể các tài khoản mà ban lãnh đạo TAS xử lý làm tăng khoản phải trả gồm: N.T.H (041C226xxx), N.V.Q (041C226xxx), N.T.K.O (041C885xxx), Đ.T.H 041C002xxx), L.KS (041C021xxx), M.T.T (041C026xxx), M.T.H.N (041C003xxx), V.A.D (041C091xxx), H.K.C. (041C208xxx), N.T.Đ (041C002xxx).
Ngoài hoạt động bán trộm chứng khoán trên, số tiền mặt gần 28 tỷ đồng của các nhà đầu tư có trong các tài khoản đến nay không còn khả năng chi trả.
Sở dĩ có sự chiếm dụng này là do ban giám đốc TAS cố tình không tách bạch tiền của nhà đầu tư và tiền của công ty nên đã dễ dàng chiếm dụng tiền của nhà đầu tư để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Liên quan đến hoạt động này, ngày 16/05/2011 TAS đã bị UBCK xử phạt 120 triệu đồng do không thực hiện tách bạch tài khoản của nhà đầu tư và công ty.
Bên cạnh những hành vi liên quan đến tài khoản của nhà đầu tư, trong bộ máy của TAS còn xuất hiện hiện tượng “chiếm đoạt” tiền của công ty. Vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong kỳ 3.
Nguồn Vietstock