Chủ Nhật | 30/09/2012 14:14

Tập trung đánh giá các chính sách hỗ trợ kiều bào

Nguồn lực về chất và lượng của Việt kiều còn rất lớn và chỉ khai thác được nếu có cơ chế chính sách hợp lý.
Đó là quan điểm chung, nhận được sự đồng thuận lớn tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai, với chủ đề “Tầm nhìn đến năm 2020 - Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước” tại TPHCM.

Trao đổi bên lề Hội nghị, GS -TS Đặng Lương Mô, Việt kiều tại Mỹ cho biết, có rất nhiều Việt kiều là chuyên gia hàng đầu về khoa học công nghệ đang làm việc ở nước ngoài, trong đó có nhiều người muốn về đóng góp cho quê hương.

TS Nguyễn Quốc Bình, Việt kiều tại Mỹ, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sinh học TPHCM cũng cho biết, hiện có hơn 4,5 triệu Việt kiều, trong đó trên 400.000 người là các doanh nhân, làm việc trong nhiều lĩnh vực rất muốn tham gia các dự án đầu tư tại Việt Nam. Theo ông, nếu khai thác tốt, thì đây sẽ là nguồn lực lớn cho đất nước, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Tổng hợp (Bộ Ngoại giao) dự báo, thời gian tới cộng đồng kiều bào sẽ tiếp tục tăng về số lượng và hội nhập sâu hơn vào đời sống chung của nước sở tại.

Chính vì vậy, để phát huy hơn nữa nguồn lực Việt kiều, Hội nghị lần này sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề như điều chỉnh, bổ sung quy định về cấp chứng nhận gốc Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào đầu tư, mua nhà ở tại Việt Nam, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác thông tin...

Tại Hội nghị, ông Jonahthan Hạnh Nguyễn, Việt kiều Philippines, đại diện cho gần 1.000 Việt kiều tham dự đã đóng góp 6 đề nghị.

Thứ nhất, rà soát lại các cơ chế chính sách liên quan để thu hút thêm đóng góp của kiều bào.

Thứ hai, cần tiếp tục kiên trì cải cách hành chính, tốt nhất là thực hiện chính sách một cửa.

Thứ ba, tăng cường quảng bá thông tin về đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, làm sao để kiều bào cảm thấy mình là một nguồn lực quan trọng của dân tộc.

Thứ tư, xây dựng, củng cố hoạt động của kiều bào trong và ngoài nước.
Thứ năm, cần xác định thế hệ kiều bào trẻ là đối tượng quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Thứ sáu, cần có hình thức khen thưởng, động viên kiều bào kịp thời để khuyến khích họ tốt hơn.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện