Ảnh: QH.

 
Trần Thanh Thứ Tư | 10/04/2019 14:00

Tạp hóa lên đời 4.0

Cuộc đổ bộ của các kênh bán lẻ hiện đại đã đẩy lui các cửa hàng tạp hóa vào thế phòng thủ và buộc phải phản công.

Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỉ USD mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Có đến 9/10 người được hỏi (92%) cho biết, họ thích mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa hơn. Đó là do thói quen đã có từ lâu và vì cửa hàng tạp hóa có quy mô nhỏ, chi phí vận hành thấp nên giá hàng hóa rẻ.

Mặc dù áp đảo về số lượng nhưng bán lẻ truyền thống đang bị co cụm trước sức cạnh tranh rất quy mô của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi như VinMart, Circle K, FamilyMart, Co.op Smile, Satrafoods hay gần đây là Bách Hóa Xanh... đã len lỏi vào mọi khu dân cư, đáp ứng hầu như toàn bộ nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân từ cây kim, sợi chỉ, cho đến mớ rau, con cá.

Tap hoa len doi 4.0

Theo Cục Thống kê, doanh thu bán lẻ của thị trường Việt Nam năm 2018 là 143,3 tỉ USD. Ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM, cho biết, doanh thu bán lẻ của thị trường Việt Nam năm 2020 dự kiến sẽ đạt 160 tỉ USD. Thị trường tiềm năng như vậy nhưng việc tiếp cận, phân phối hàng hóa của doanh nghiệp Việt vào kênh truyền thống chưa hiệu quả. Nguyên nhân là hệ thống phân phối tự mở ở dạng cục bộ, chi phí cao, quá trình quản lý giá, các chương trình tiếp thị, quảng cáo chưa đồng bộ với hệ thống phân phối, lãng phí kho bãi, giao nhận, khả năng mở rộng khó. Vì vậy, các bên liên quan như các chủ cửa hàng tạp hóa, người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.

Bài toán khó với những người kinh doanh tạp hóa hiện nay gồm: Hỗ trợ quản lý bán hàng đồng thời offline và online, xử lý quản lý tồn kho đa kênh, hoàn tất đơn hàng nhanh chóng và dễ dàng quản lý trên nền tảng di động. Cái chết của mô hình G7 Mart của Trung Nguyên, dù được khuếch trương là đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, cho thấy khó khăn của việc “hiện đại hóa” chuỗi các cửa hàng phân phối, tạp hóa truyền thống.

Vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp cung cấp các phần mềm quản lý bán hàng cho các tiệm tạp hóa thuộc kênh GT (General Trade). Chẳng hạn, Sapo X cung cấp phần mềm bán tại cửa hàng và chuỗi. Trong khi đó, phần mềm KiotViet sử dụng công nghệ đám mây còn cho phép bạn có thể truy cập dữ liệu bán hàng mọi lúc mọi nơi. Chủ cửa hàng có thể cập nhật giá bán, xác nhận đơn hàng bán ra nhanh chóng và thuận tiện...

Tap hoa len doi 4.0

Mới đây, Công ty BB Việt Nam giới thiệu nền tảng phân phối BBLink - phân phối hàng hóa dịch vụ đa nhiệm thông qua kênh truyền thống và cửa hàng tạp hóa với các hệ thống kho bãi, đội ngũ chuyên viên kinh doanh, giao hàng; các nền tảng công nghệ vận hành quản trị mới sẽ giúp đưa hàng hóa đến các điểm bán, hỗ trợ điểm bán trở thành kênh bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.

Ông Vincent Lữ, Giám đốc Chiến lược BBLink, cho biết vấn đề của kênh truyền thống là chi phí đầu tư ban đầu lớn, chi phí vận hành cao, khó quản trị, khó đo lường hiệu suất phân phối, kinh doanh. Đưa ra giải pháp cho khó khăn này, BBLink có kế hoạch triển khai ứng dụng cho các cửa hàng tạp hóa, đại lý truyền thống trên cả nước. Ngoài ra, BBLink còn lên kế hoạch phát triển ra thị trường thế giới.

Trong khi đó, đại diện của Sapo X nhận định, khi công việc kinh doanh được đồng bộ sẽ giúp những người kinh doanh giảm được 30% chi phí quản lý và tới 70% chi phí xây dựng hệ thống. Ngành bán lẻ đang thay đổi trên toàn cầu và ngay tại Việt Nam tốc độ thay đổi cũng rất nhanh. Người mua hàng sử dụng nhiều thiết bị kết nối internet khác nhau để mua hàng qua nhiều nền tảng như Facebook, Zalo, Lazada... hay đến tận cửa hàng. Vì thế, người bán hàng cần hiện diện trên nhiều kênh để tiếp cận với khách hàng tốt hơn.

Tap hoa len doi 4.0

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), hiện nay, các kênh bán lẻ như website, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ nhưng chỉ đang chiếm khoảng 20%. Việc đưa nền tảng phân phối đa nhiệm cho kênh bán lẻ truyền thống sẽ giải quyết được vấn đề lớn là nhà cung cấp không cần phải giao hàng xuyên tỉnh nữa mà sẽ giao ngay tại địa phương, tất cả chi phí ở địa phương.

Xu hướng bán hàng, phân phối đã dịch chuyển mạnh mẽ đòi hỏi những mô hình truyền thống như tạp hóa cũng phải thay đổi cơ bản. Theo đó, cửa hàng tạp hóa không chỉ bán lẻ từ vài ngàn đồng mỗi món hàng, mà còn nâng cấp làm đầu mối cung cấp sỉ mặt hàng gạo, nước giải khát bánh kẹo, sữa... của những nhà sản xuất lớn cho cả khu vực dân cư tại chỗ. Kéo theo là nhu cầu quản lý bán hàng, kho vận... không khác gì những doanh nghiệp bán lẻ hiện đại.

Lúc này, cùng với những công cụ hỗ trợ mới, những cửa hàng tạp hóa bà Lan, cô Bảy... đã chính thức bước ra đối đầu với những VinMart, Circle K, FamilyMart...