Tập đoàn xi-măng hàng đầu của Thái Lan tăng cường đầu tư tại Việt Nam
Tập đoàn SCG (Siam Cement Group), hiện là công ty xi-măng lớn nhất Thái Lan, cho biết họ đang có kế hoạch tăng cường hơn nữa hoạt động đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong mảng xi-măng và trong ngành công nghiệp hóa dầu.
Ngày 23/1 vừa qua, giám đốc điều hành của SCG tại Việt Nam là ông Dhep Vongvanich cho biết tập đoàn này quyết tâm xây dựng một nhà máy sản xuất xi-măng tại Việt Nam. Ngoài ra, SCG cũng muốn tiếp tục tìm cách biến dự án tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) trị giá 4,5 tỷ USD thành hiện thực, mặc dù trước đó, 1 trong 4 nhà đầu tư chính là Qatar Petroleum đã rút khỏi dự án này.
"Mục tiêu của chúng tôi là phải có một nhà máy xi-măng tại Việt Nam, tuy rằng chúng tôi vẫn chưa thể tiết lộ là vào lúc nào. Hiện tại, chúng tôi đang nghiên cứu để đi đến quyết định liệu chúng tôi nên tự bỏ vốn đầu tư hay nên lập liên doanh", ông Dhep nói.
Hiện tại, SCG đang thảo luận với 3 đến 4 đối tác tiềm năng khác để thay thế Qatar Petroleum trong dự án Long Sơn, và kỳ vọng các cuộc đàm phán sẽ hoàn tất trong quý 1-2016 này. Theo đó, việc đưa Long Sơn vào vận hành sẽ không bị trì hoãn quá 6 tháng, với thời điểm dự kiến là từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020.
Được biết kể từ năm 1992, SCG đã rót hơn 715 triệu USD vốn đầu tư vào Việt Nam và đến thời điểm hiện tại công ty đang có gần 22 công ty con tại Việt Nam. Trong năm ngoái, SCG đã thâu tóm 2 công ty là Prime Group, nhà sản xuất gạch ốp lát lớn nhất Việt Nam, và công ty đóng gói Tín Thành (Batico). Theo số liệu gần đây, doanh thu từ 22 công ty con này là gần 619 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2015.
Ngoài ra ông Dhep cũng cho biết thêm hiện SCG đang có gần 7.000 nhân viên tại Việt Nam, trong đó có khoảng 100 người Thái.
Cách đây 5 năm (2011), ông Dhep từng cho biết là lúc đó SCG đang có 9 công ty con ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là 320 triệu USD, còn tổng doanh thu hàng năm là 280 triệu USD.
Theo báo cáo của SCG đưa ra tại một hội thảo ở Singapore hồi đầu tháng nay, tính đến tháng 9/2015 thì Indonesia là nơi mà tập đoàn này đầu tư vào nhiều nhất, với tổng vốn là gần 1,22 tỷ USD. Đứng vị trí thứ hai là Việt Nam với 715 triệu USD và thứ ba là Campuchia với hơn 243 triệu USD.
Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam lại là nước đem lại doanh thu lớn nhất cho SCG với gần 619 triệu USD, tiếp theo mới là Indonesia với gần 547 triệu USD. Sau khi khánh thành một nhà máy xi-măng trong quý IV năm 2015, Indonesia đã vượt Việt Nam để trở thành chi nhánh có doanh thu cao nhất của SCG.
"Indonesia là nước có doanh thu lớn nhất nhờ nhà máy xi-măng mới này. Do đó, chúng tôi cũng đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào ngành hóa dầu thượng nguồn (upstream) tại Việt Nam, do nước này hiện vẫn đang phải nhập khẩu tất cả các sản phẩm dạng này. Theo ước tính, chúng tôi sẽ đưa ra thị trường nội địa khoảng 80-90% thành phẩm", ông Dhep nói.
Ông Dhep cho biết thêm SCG gần đây đã gặp các đại diện chính phủ Việt Nam để tái khẳng định cam kết với dự án hóa dầu Long Sơn, và nhận được sự ủng hộ toàn diện từ chính phủ.
Ông nhấn mạnh: "Việt Nam có ưu điểm nổi bật là nền chính trị ổn định, chi phí năng lượng rẻ và người lao động siêng năng. Vì thế đây là là cơ hội cho chúng tôi, nhất là khi tại Thái Lan các lĩnh vực bất động sản và xây dựng đang đi xuống".
Trong năm 2015, ngành công nghiệp xây dựng của Việt Nam đã tăng trưởng 10,8%, và theo ông Dhep thì với mức GDP bình quân đầu người 2.200 USD, Việt Nam vẫn còn có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Tuệ Nghi
Nguồn The Nation