Chủ Nhật | 25/11/2012 19:46

"Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sử dụng vốn chưa hiệu quả"

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu thành lập một Bộ quản lý Nhà nước hoặc Ủy ban quản lý doanh nghiệp Nhà nước.
Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 25/11, nhận xét về hiệu quả sử dụng vốn tại các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng việc này chưa hiệu quả.

Bộ trưởng dẫn báo cáo của Chính phủ mới gửi tới đại biểu Quốc hội cho biết, thời điểm này, nhiều Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có nợ trên vốn chủ sở hữu lớn, kinh doanh chưa hiệu quả, nhưng cũng có đơn vị hoạt động hoạt động hiệu quả, như Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel)...

Sau một loạt các sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), các bộ ngành đã tiến hành kiểm điểm nhưng đến nay chưa có kết quả. Giải thích cho việc này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, trước đây, nhất là năm 2005, chúng ta quá nhấn mạnh đến quyền tự chủ của doanh nghiệp, trong khi chưa có đủ những luật lệ, quy định chế tài cần thiết để quản lý. Vì vậy, việc phân công, phân nhiệm của bộ ngành với doanh nghiệp có nhiều khâu chưa chặt chẽ, không rõ ràng.

Để khắc phục, vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Nghị định 99 về phân công, phấp cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của đại diện vốn Nhà nước và phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, có hiệu lực vào 30/12/2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Theo đó, Bộ quản lý ngành sẽ là cấp trên trực tiếp của hội đồng thành viên doanh nghiệp và chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả hoạt động kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn, chấp hành quy định pháp luật. Vì vậy, Bộ ngành sẽ có nhiều quyền hành và trách nhiệm hơn tại doanh nghiệp, như tự quyết định bổ nhiệm các thành viên HĐQT, bổ nhiệm Tổng giám đốc, duyệt các kế hoạch hàng năm.

Nghị định 99 cũng đưa ra nhiều giải pháp có tính ngăn chặn như quy trình xem xét thẩm định bổ nhiệm cán bộ cũng hợp lý hơn khi Thủ tướng chỉ có thể bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, còn Tổng giám đốc phải do Bộ quản lý ngành bổ nhiệm, từ đó sẽ không gây ra sự đối đầu giữa hai bên.

Trong quản lý vốn, ngoài Bộ quản lý ngành được giao quản lý, theo dõi từng dự án thì có những Bộ quản lý tông hợp như Bộ Tài chính phải xem xét tiêu chí, cách thức quản lý vốn trong dn, hàng năm phảo có kiểm toán, đánh giá.

"Lựa chọn phương án nào để thực hiện quyền đại diện vốn tại doanh nghiệp Nhà nước là không đơn giản, do vậy, đây là Nghị định được trăn trở nhất", Bộ trưởng phát biểu.

Ngoài việc có Nghị định 99 để quản lý doanh nghiệp Nhà nước, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nghiên cứu dự thảo việc thành lập một ủy ban cấp Nhà nước, Bộ quản lý nhà nước hoặc Ủy ban quản lý doanh nghiệp Nhà nước.

Nguồn Khampha


Sự kiện