Tập đoàn, tổng công ty nhà nước: nợ chiếm 50% GDP
Chiếm 1/3 tổng dư nợ tín dụng
Theo số liệu của ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với EVN tính đến cuối tháng 7.2013 là 118.840 tỉ đồng – mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Còn theo báo cáo mới nhất của bộ Tài chính, nợ vay cả ngắn hạn, dài hạn từ các ngân hàng thương mại của EVN là hơn 103.000 tỉ đồng, chưa kể, khoản nợ nước ngoài 112.625 tỉ đồng.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có nợ nần chồng chất, theo báo cáo mới đây của bộ Tài chính trình ra Quốc hội. Theo đó, năm 2012, 127 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ – con có tổng số nợ phải trả là 1.348.752 tỉ đồng, tương đương 62 – 63 tỉ USD, xấp xỉ 50% GDP của Việt Nam năm 2012 là 136 tỉ USD. Khoản nợ này bằng 78,9% doanh thu cả năm 2012 của các tập đoàn, tổng công ty này (doanh thu năm 2012 là 1.709.171 tỉ đồng); vượt 132% vốn chủ sở hữu (1.019.578 tỉ đồng) và chiếm già nửa so với tổng tài sản 2.569.433 tỉ đồng. Trong đó, khoản nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng của các tập đoàn, tổng công ty là 402.955 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2011, tương ứng 1/3 tổng dư nợ của cả nền kinh tế; vay nợ nước ngoài là 315.851 tỉ đồng (vay ngắn hạn 70.659 tỉ đồng, dài hạn 245.192 tỉ đồng), trong đó 2/3 là vay ODA và được Chính phủ bảo lãnh. Một số đơn vị khác có nợ ngân hàng lớn như tập đoàn Dầu khí nợ 125.000 tỉ đồng; tổng công ty Hàng hải nợ 31.690 tỉ đồng; tổng công ty Sông Đà nợ 17.644 tỉ đồng; tổng công ty Lương thực miền Nam nợ 7.600 tỉ đồng...
So với năm 2011, nợ phải trả của các đơn vị nói trên tăng 6%; nợ phải thu, đáng chú ý, tới 275.975 tỉ đồng. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 13.490 tỉ đồng, tăng 24,5% so với năm 2011 và chiếm 4,89% số nợ phải thu. Một số doanh nghiệp có nợ phải thu trên tổng tài sản ở mức rất cao, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, như tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 có nợ phải thu hơn 1.000 tỉ đồng, tương ứng 66% tổng tài sản; tổng công ty Xây dựng Thăng Long nợ phải thu gần 800 tỉ đồng (60% tổng tài sản); tổng công ty Thành An 840 tỉ đồng (56%), tổng công ty Xây dựng Trường Sơn 800 tỉ đồng (55%)...
Cũng theo báo cáo của bộ Tài chính, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân năm 2012 của các tập đoàn, tổng công ty là 1,46 lần, song có 48 đơn vị có tỷ lệ này gấp ba lần trở lên, như tổng công ty Lắp máy Việt Nam hơn 53 lần; tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng là 20,97 lần; tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 là 18,41 lần…
Đánh giá hiệu quả sản suất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với quy mô vốn, tài sản của doanh nghiệp, bộ Tài chính cho rằng “việc tồn tại tình trạng độc quyền trong một số lĩnh vực làm cho doanh nghiệp nhà nước không chịu sức ép cạnh tranh, dẫn đến sức ỳ lớn”. |
Mịt mờ khả năng trả nợ
Báo cáo của bộ Tài chính chưa phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ nần; hiệu quả sử dụng vốn vay và đặc biệt là phương án, khả năng trả nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp này. Song, nhìn vào một vài doanh nghiệp có nợ lớn nhất, có thể thấy khó mà lạc quan!
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030, dự kiến đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện lên tới 929.700 tỉ đồng (tương đương 48,8 tỉ USD), mỗi năm cần khoảng 4,9 tỉ USD. Tuy nhiên, theo tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh, vốn tự có của tập đoàn và các đơn vị thành viên chỉ có thể thu xếp được khoảng từ 20 – 30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện. Như vậy, quy hoạch của ngành điện sẽ phụ thuộc phần lớn vào vốn vay. Điều đó có nghĩa, EVN không giảm mà còn tiếp tục tăng tình trạng nợ nần. Và người tiêu dùng không thể không lo lắng, liệu đồng vốn vay có tiếp tục bị tập đoàn này tiêu xài lãng phí, thất thoát để rồi người tiêu dùng tiếp tục phải gánh thông qua giá điện?
Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) đang gánh khoản nợ 6.681 tỉ đồng thì cũng là một trong số những doanh nghiệp đang lỗ nặng tới 4.562 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm tới 2.177 tỉ đồng. Chung tình trạng âm vốn chủ sở hữu với Vinalines còn có tổng công ty Cơ khí xây dựng âm 316 tỉ đồng; tổng công ty Xăng dầu Quân đội âm 205 tỉ đồng...
Tính chung lại, 25 tập đoàn, tổng công ty có số luỹ kế đến cuối năm 2012 là 17.033 tỉ đồng và 16 công ty mẹ lỗ 11.820 tỉ đồng. Trong đó EVN lỗ 3.146 tỉ đồng; tổng công ty Xây dựng đường thuỷ lỗ 710 tỉ đồng; tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC lỗ 246 tỉ đồng; tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 lỗ 44 tỉ đồng...
Đánh giá hiệu quả sản suất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với quy mô vốn, tài sản của doanh nghiệp, bộ Tài chính cho rằng “việc tồn tại tình trạng độc quyền trong một số lĩnh vực làm cho doanh nghiệp nhà nước không chịu sức ép cạnh tranh, dẫn đến sức ỳ lớn”. Thêm vào đó, bộ Tài chính cũng nhận xét: năng lực, quản trị ban điều hành của một số tập đoàn, tổng công ty còn yếu kém, làm thất thoát vốn, tài sản, để xảy ra nợ xấu, thua lỗ liên tục nhưng chưa hoặc không được xử lý trách nhiệm rõ ràng, cụ thể. Mặc dù vậy, bản thân báo cáo của bộ Tài chính cũng chỉ dừng ở việc đưa ra thông tin đơn thuần mà không đề xuất hướng xử lý nào.
Theo Thảo Nguyễn
Nguồn Sài Gòn tiếp thị