Chủ Nhật | 18/11/2012 08:59

Tập đoàn thua lỗ, lương cao vẫn đúng quy định

Dù thua lỗ, nhưng chủ tịch tập đoàn kinh tế lớn vẫn có thể hưởng lương 70 triệu đồng/tháng, gấp khoảng 15 lần so người lao động bình thường.
Ngân hàng thua xa tập đoàn nhà nước

Dù kêu lỗ, giá thấp nhưng mức lương ở ngành điện, xăng dầu còn cao hơn cả những ngành "nóng", lợi nhuận cao như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.

Cụ thể như, năm 2010, Tập đoàn Petrolimex lỗ kinh doanh xăng dầu 172 tỷ đồng, đến năm 2011, lỗ xăng dầu tăng mạnh lên tới 2.604 tỷ đồng. Thế nhưng, tổng quỹ tiền lương năm 2011 khối kinh doanh xăng dầu của Petrolimex vẫn tăng tới 1,6% so với năm 2010.

Mức tiền lương bình quân tại công ty mẹ của Petrolimex đạt 20,961 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 2,1 lần so với mức bình quân tiền lương tại 32 công ty mẹ của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước chỉ 9,8 triệu đồng/tháng.

Tương tự, dù thua lỗ, tiền lương bình quân khối xăng dầu của Petrolimex là 6,6 triệu đồng/người/tháng. Nếu so với các mức bình quân khu vực Doanh nghiệp nhà nước là 4,8 triệu đồng/tháng, lương ở Petrolimex đã cao hơn 45%.

Giải thích về quỹ lương, các Tập đoàn trên đều khẳng định, hoàn toàn do Liên Bộ phê duyệt, chấp thuận. Trên thực tế, các kết luận kiểm toán dù nêu ra những con số lỗ nặng, lương cao nhưng vẫn khẳng định, EVN, Petrolimex đều làm đúng quy định về tiền lương.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho rằng: "Do yếu cầu, giá xăng không tăng, bán dưới giá cơ sở, để bình ổn thị trường. Lỗ xăng dầu hoàn toàn không do lỗi của người lao động. Về mức lương, hiện phải trả ở mức tương đối, như tại văn phòng công ty mẹ, thấp nhất cũng phải 10 triệu đồng/tháng thì mới giữ chân được chuyên viên".

Cách lý giải này cũng giống như những chia sẻ trước đó của ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN tại cuộc họp báo công bố kết quả thanh tra tiền lương hồi đầu năm nay. Ông Tri nói: "EVN thua lỗ năm 2010 là do hạn hán, thủy điện thiếu nước, phải bù điện từ các nhà máy chạy dầu, với giá thành cao. Đó là do khách quan. Còn lương cao là để giữ chân người giỏi. Nếu lương không đảm bảo họ sẽ bỏ việc".

Rõ ràng, lương tăng cao không phụ thuộc vào việc kinh doanh xăng dầu có lãi hay lỗ. Như lãnh đạo Petrolimex giải thích hay như Kiểm toán Nhà nước kết luận, tiền lương này hoàn toàn theo đơn giá được phê duyệt.

Cụ thể, năm 2011, Petrolimex đã được Liên bộ chấp thuận phê duyệt đơn giá tiền lương được hưởng là 3000 đồng/1000 đồng doanh thu, đối với bán lẻ là 14,8 đồng/1.000 đồng doanh thu.

Câu chuyện này cũng tương tự như ở Tập đoàn EVN. Năm 2010, thu nhập bình quân toàn Công ty mẹ của EVN là 13,7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 39% so với mức trung bình khu vực công ty mẹ các Tập đoàn kinh tế năm 2011. Với thu nhập ở khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng hay thu nhập bình quân khối phân phối điện là 7,9 triệu đồng/người/tháng, cũng cao hơn rất nhiều so với mức bình quân chung ở năm 2011.

Nguyên nhân một phần cũng là do đơn giá tiền lương tính theo doanh thu bán điện. Năm 2010, EVN được phê duyệt mức đơn giá là 5.434đ/1.000kWh.

Nói cách khác, hai Tập đoàn trên càng bán được nhiều xăng dầu, nhiều điện thì quỹ lương sẽ càng phình to, bất kể là lỗ hay lãi!

Lương không gắn với hiệu quả

Bàn về cải cách Doanh nghiệp nhà nước ông Hoàng Minh Hào, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận: "Tiền lương cao ở một số Tập đoàn, Doanh nghiệp nhà nước không phải do năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh cao mà chủ yếu do lợi thế ngành nghề, hoặc độc quyền".

Nhìn nhận về cơ chế chung, ông Hào cho biết, tồn tại lớn nhất là quỹ tiền lương của người lao động theo cơ chế hiện hành chưa gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh. Các khoản tiền lương, tiền thưởng cho lãnh đạo cũng chưa gắn với hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước và đặc biệt, chưa gắn với kết quả về quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Hàng năm, quỹ tiền lương này lại được tính toán, phê duyệt theo đơn giá tiền lương, dựa trên chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh do doanh nghiệp... tự đặt ra.

Kết quả là những Tập đoàn có lợi thế lớn thì tự xây dựng thang bảng lương rất cao, như ngành dầu khí... Còn những doanh nghiệp không có lợi thế lớn, như dệt may, thủy sản, nông nghiệp, lợi nhuận thấp thì lại sẵn sàng chia nhỏ hệ thống thang, bảng lương của Nhà nước thành nhiều bậc để giảm chi phí xuống. Điều đó không phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường hiện nay.

Đánh giá về tiền lương cho các viên chức quản lý ở Doanh nghiệp nhà nước, ông Hào cũng tiết lộ: bình quân năm 2011 là vào khoảng 25-30 triệu đồng/tháng. Trong đó, chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, giám đốc khoảng 30-35 triệu đồng/tháng. Thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, kế toán trưởng khoảng 20-28 triệu đồng/tháng.

Ở 32 công ty mẹ, lương bình quân của các vị lãnh đạo năm 2011 lên tới khoảng 40 triệu đồng/tháng, đối với một số doanh nghiệp có lợi thế, độc quyền thì có tiền lương bình quân lên tới 60-70 triệu đồng/tháng.

Theo ông Hoàng Mạnh Hào, tiền lương trong nền kinh tế thị trường tới đây sẽ phải thay đổi, phải tránh tình trạng những doanh nghiệp độc quyền, có lợi thế xây dựng thang lương, bảng lương với hệ số mức lương cao, gây mất cân đối với các Doanh nghiệp nhà nước khác và với mặt bằng tiền lương chung trên thị trường.

Bên cạnh đó, tiền lương sẽ chỉ tăng khi lợi nhuận tăng, nếu lợi nhuận thấp hơn năm trước thì tiền lương cũng phải giảm so với năm trước, còn nếu ngang bằng thì quỹ lương giữ nguyên.

Nếu như hiệu quả kinh doanh không tăng thì các Tập đoàn chỉ được hưởng mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. Nếu hiệu quả giảm thì cũng phải giảm tiền lương cơ sở, thấp nhất sẽ bằng mức lương chế độ. Tức là bằng tiền lương tối thiểu nhân với hệ số lương.

Nguồn VEF


Sự kiện