Tập đoàn Sumitomo sắp khởi công Nhiệt điện Vân Phong 1
Mong muốn của Sumitomo là có thể ký hợp đồng BOT trong quý I/2014, hoàn thành thủ tục đầu tư và nhận chứng nhận đầu tư trong tháng 7/2014. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tin liên quan đến việc này.
Trong khi đó, thông tin từ UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 được Tập đoàn Sumitomo đề nghị đầu tư từ năm 2006, với công suất 2.640 MW, trên diện tích hơn 350 ha tại xã Ninh Phước. Dự án có tổng vốn đầu tư 3,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn I đầu tư 2 tỷ USD. Tuy nhiên, do vướng mắc trong đàm phán hợp đồng BOT, nên đến nay, Dự án vẫn chưa triển khai thực hiện được.
Mặc dù vậy, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai Dự án, năm 2012, tỉnh Khánh Hòa đã ứng 150 tỷ đồng đền bù giải tỏa cho người dân và dành 135 tỷ đồng làm khu tái định cư Ninh Thủy. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện gần xong việc đền bù giải phóng mặt bằng. Khu tái định cư Ninh Thủy đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng.
Không chỉ Sumitomo, mà thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm phát triển các dự án điện BOT ở Việt Nam. Chẳng hạn, Samsung (Hàn Quốc) với Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 3; EGATI (Thái Lan) với Nhiệt điện Quảng Trị; Toyo-Ink (Malaysia) với Nhiệt điện Sông Hậu 2…
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) cũng đã bày tỏ mối quan tâm tới Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 3, công suất 2.000 MW…
Trong số các dự án này, ngoài Nhiệt điện Vũng Áng 3 và Nhiệt điện Sông Hậu 3 mới chỉ dừng ở việc nghiên cứu, tìm hiểu, thì Nhiệt điện Quảng Trị (vốn đầu tư khoảng 2,26 tỷ USD) và Nhiệt điện Sông Hậu 2 (vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD) đều đã được Chính phủ cho chủ trương đầu tư. Cả hai nhà đầu từ EGATI và Toyo-Ink đều đã có văn bản thỏa thuận ban đầu với địa phương, cũng như với Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) về việc triển khai Dự án.
Ngoài các dự án trên, còn có thể kể đến Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2, với sự tham gia của nhà đầu tư Marubeni (Nhật Bản) và KEPCO (Hàn Quốc), vốn đầu tư 2,3 tỷ USD. Các chủ đầu tư của dự án này cũng kỳ vọng ký hợp đồng BOT trong năm nay.
Chưa kể, Tata Power, một công ty của Tập đoàn Tata (Ấn Độ) cũng đã được phép nghiên cứu đầu tư Dự án Nhiệt điện Long Phú 2 ở Sóc Trăng, vốn đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD.
Bên cạnh các dự án mới, thì nhiều dự án BOT điện, với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, cũng đã và đang được triển khai, như BOT Mông Dương 2, BOT Nhiệt điện Hải Dương… Tuy nhiên, trong khi BOT Nhiệt điện Hải Dương bị chậm tiến độ, thì cách đây ít ngày, BOT Mông Dương 2, công suất 1.240 MW, vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, đã hòa đồng bộ vào lưới điện 500 kV.
Liên quan đến các dự án BOT ngành điện, một trong những vướng mắc lớn nhất là đàm phán hợp đồng BOT, cũng như giá bán điện. Bên cạnh đó, tại các kỳ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ sự quan ngại khi thủ tục triển khai các BOT khá rườm rà, thường phải kéo dài 3 - 5 năm.
Bên cạnh đó, một trong những nội dung được các nhà đầu tư quan tâm là vấn đề bảo lãnh ngoại tệ đối với các dự án BOT. Hiện nay, Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư), trong đó có các điều khoản về BOT, đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện. Các nhà đầu tư đang hối thúc việc ban hành nghị định này để việc triển khai các dự án BOT được thuận lợi hơn.
Nguồn Báo Đầu Tư