Tập đoàn Shinhan mua trọn công ty tài chính Prudential
→CEO Prudential Việt Nam: Hoàn thiện mảnh ghép chiến lược tiếp cận khách hàng trẻ thành thị
Giá trị thương vụ được xem xét ở mức 151 triệu USD (3.420 tỷ đồng). Prudential Finance cũng chính là công ty tài chính 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam với mạng lưới khách hàng 300.000 người tính đến tháng 10/2016.
Tập đoàn Prudential châu Á bán Prudential Finance vì không còn là mảng cốt lõi trong chiến lược kinh doanh của Prudential tại Việt Nam.
Công ty tài chính Prudential Việt Nam là công ty tài chính tiêu dùng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam từ tháng 10/2007. Năm 2016, công ty đạt doanh thu 77,15 tỷ won (72 triệu USD) và lợi nhuận 13,15 tỷ won (12,27 triệu USD).
Trước đó, Prudential bắt đầu kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam từ năm 1999 sau đó thành lập thêm công ty quản lý quỹ Eastspring Investments vào năm 2005 và công ty tài chính Prudential Việt Nam vào năm 2007.
Tháng 10/2017, Reuters cho biết Prudential đang đàm phán với đối tác để bán mảng kinh doanh cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam.
Mảng kinh doanh bảo hiểm của Prudential tại Việt Nam có quy mô nhỏ hơn nhiều so với HongKong, Singapore, Trung Quốc và Indonesia, sẽ được tập trung phát triển sau khi bán mảng tài chính tiêu dùng.
Động thái này diễn ra sau khi một số công ty bảo hiểm toàn cầu, trong đó có AXA của Pháp cũng muốn bán các mảng kinh doanh không phải cốt lõi ở Châu Á để tập trung vào thị trường bảo hiểm khu vực này, nơi có nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy cạnh tranh.
Công ty tài chính Prudential Việt Nam hiện là một trong 4 công ty chiếm lĩnh thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, cùng với FE Credit, HomeCredit và HDSaison. Tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng thuần túy là hơn 56 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2016, theo một báo cáo của StoxPlus.
Cuối năm ngoái, ngân hàng Quân Đội (MB) công bố bán 49% vốn góp tại công ty tài chính MB (thương hiệu Mcredit) cho ngân hàng Shinsei Bank của Nhật Bản. Theo báo cáo của MB, giao dịch này mang lại 615 tỷ đồng lợi nhuận.
Công ty tài chính này có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, sau đó được đổi tên công ty thành MB Shinsei. Hiện MB còn nắm giữ 50% cổ phần MB Shinsei, 1% còn lại được nắm giữ bởi công ty Đầu tư Xây dựng và Phát triển Xuân Thành.
Trước đó, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) thông báo HĐQT ngân hàng đã phê duyệt hợp đồng và các tài liệu giao dịch liên quan đến việc chuyển nhượng toàn bộ vốn tại TechcomFinance).
Tin từ truyền thông Hàn Quốc cho biết, công ty Lotte Card thuộc tập đoàn Lotte đã đạt được thỏa thuận mua lại cổ phần của TechcomFinance. Thương vụ này giúp Lotte Card sẽ gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng đầy sôi động của Việt Nam.
Ngày 1/2/2018, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng sẽ bán đấu giá Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) với giá khởi điểm 500 tỷ đồng. Đây chính là mức vốn điều lệ công ty này được cấp theo giấy phép năm 1998.
Tuy nhiên theo bản công bố thông tin gửi các nhà đầu tư trước phiên đấu giá, vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm giữa năm 2017 chỉ còn 414 triệu đồng.