Thứ Hai | 12/08/2013 14:51

Tập đoàn Nhật được góp vốn vào sắt Thạch Khê

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chấp thuận cho Kobelco tham gia góp vốn vào Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) theo đề nghị của Bộ Công Thương.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết hiện chưa thống nhất về tỷ lệ góp vốn của Kobelco trong dự án sắt Thạch Khê. "Chính phủ đã yêu cầu TIC phải tiếp xúc với nhà đầu tư mới, báo cáo kết quả cho Bộ Công Thương và UBND tỉnh Hà Tĩnh trước ngày 30/9. Sau khi đàm phán, các chủ đầu tư mới thống nhất tỷ lệ góp vốn", ông nói.

Mỏ sắt Thạch Khê đang chậm triển khai do các cổ đông góp vốn chưa đủ so với kế hoạch. Báo cáo của TIC cho hay, trong quý I, ngoài Vinacomin góp thêm gần 19,5 tỷ đồng để giúp công ty tháo gỡ khó khăn trong dịp Tết Nguyên Đán, các cổ đông vẫn còn nợ 1.210 tỷ đồng, bằng 45% vốn điều lệ công ty.

Do đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cùng các cổ đông khác khẩn trương góp đủ vốn điều lệ, không chờ kết quả thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư điều chỉnh. Với cổ đông không có khả năng tài chính góp vốn theo tiến độ, các cổ đông khác sẽ góp thay.

TIC được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng, ban đầu có 9 cổ đông gồm Vinacomin, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất - Xuất khẩu Bình Minh, Công ty cổ phần Khoáng sản và luyện kim Thăng Long, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Sông Đà, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Tuy nhiên, vào tháng 7/2011, Thủ tướng yêu cầu 4 cổ đông gồm VNPT, Sông Đà, BIDV và Vinashin thoái vốn khỏi dự án để tập trung cho hoạt động kinh doanh chính. Việc có thêm cổ đông mới được kỳ vọng sẽ giúp Thạch Khê tái cơ cấu thành công và tiến độ dự án đẩy nhanh hơn.

Kobelco được thành lập bởi Tập đoàn Thép Kobe Steel (Nhật Bản), hiện đang là chủ dự án nhà máy sắt xốp công suất 2 triệu tấn tại Khu công nghiệp Hoàng Mai, Nghệ An, vốn đầu tư 1 tỷ USD. Nguyên liệu chính cho nhà máy chính là quặng sắt lấy từ mỏ sắt Thạch Khê.

Trong khi đó, Thạch Khê được xem là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nằm cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 8 km về phía Đông Bắc. Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370 đến 400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10 - 15 triệu tấn mỗi năm và tăng lên trong những năm tiếp theo.

Nguồn VnExpress


Sự kiện