Tập đoàn Cao su Việt Nam lần đầu tổ chức đại hội cổ đông
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) lần đầu tiên tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên. Theo nội dung trình bày, sau đại hội này, VRG sẽ tiến hành các bước để chuyển giao VRG từ doanh nghiệp Nhà nước sang mô hình công ty cổ phần. VRG cũng sẽ sớm hoàn thiện hồ sơ để niêm yết toàn bộ cổ phiếu của Công ty mẹ tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thay vì chỉ lên sàn UpCom như dự định ban đầu.
Theo phương án cổ phần hóa đã được thông qua, VRG có vốn điều lệ 40.000 tỉ đồng, trong đó Nhà nước tiếp tục thoái vốn để chỉ còn nắm 75% vốn điều lệ. 11,88% vốn sẽ bán đấu giá công khai và 11,88% vốn điều lệ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược. Phần còn lại sẽ bán ưu đãi cho người lao động, tổ chức công đoàn. Mức giá khởi điểm cháo bán cổ phần lần đầu là 13.000 đồng/cổ phần.
Về kinh doanh, VRG thống nhất kế hoạch doanh thu toàn Tập đoàn trong 7 tháng cuối năm 2018 ước đạt 19.014 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 3.811 tỉ đồng. Trong đó, đóng góp chính sẽ là các công ty cao su. Mảng công nghiệp cao su, gỗ cao su, khu công nghiệp của VRG sẽ chiếm chưa tới 10% tổng doanh thu Tập đoàn. Tính ra, tỉ lệ lợi nhuận/doanh thu của VRG ước đạt 20% còn lợi nhuận/vốn điều lệ ước đạt 10%.
Từ năm 2019 trở đi, VRG mới dự kiến đến các mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ về cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Theo đó, doanh thu, lợi nhuận sau thuế năm 2019 của VNG ước tăng gần gấp đôi con số đề ra trong 7 tháng 2018.
Xét riêng Công ty mẹ, Công ty ước đạt doanh thu 7 tháng 2018 là 2545 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1605 tỉ đồng. Kế hoạch kinh doanh này dựa trên giá bán cao su bình quân năm 2018 là 36,5 triệu đồng/tấn. Còn giai đoạn 2019-2020, giá cao su ước bán được 45 triệu đồng/tấn.
Về các chỉ tiêu đầu tư, VRG dự tính dành 6327 tỉ đồng cho đầu tư. Trong đó, VRG ưu tiên tái canh gần 12.000 ha, tập trung chủ yếu ở Đông Nam Bộ. Ngoài ra, VRG sẽ hoàn thành nhà máy tại Phước Hòa- Kampong Thom, nhà máy tại Đồng Phú- Kratie, nhà máy của Công ty Cổ phần cao su Việt Lào, khởi động nhà máy chế biến ở Sơn La, Lai Châu cũng như đầu tư nhà máy ván sàn tại Bình Phước.
Đối với lĩnh vực mở rộng, VRG cũng sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dây chuyền 3 nhà máy găng tay y tế (ở Công ty VRG Khải Hoàn), đầu tư dây chuyện 2 nhà máy sợi chỉ cao su. VRG cũng sẽ hoàn tất các thủ tục mở rộng giai đoạn 2 ở các khu công nghiệp Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và nâng diện tích nông nghiệp công nghệ cao lên 500ha.
Công ty mẹ dành 1416,8 tỉ đồng cho đầu tư trụ sở làm việc, mua sắm thiết bị, mua đất văn phòng cũng như đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp.
Tại đại hội đồng cổ đông, VRG cũng thông qua mức chi trả lương, thù lao cho Hội đồng quản trị và ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát. Theo đó, mức lương cơ bản năm qua của Tập đoàn là 32,5 triệu đồng/người/tháng. Cấp quản lý (Ban Quản trị, Tổng giám đốc) hưởng lương 70 triệu đồng/người/tháng. Năm nay, kế hoạch lương sẽ cộng thêm hệ số điều chỉnh (2,5 lần đối với lương cơ bản và 1,15 lần đối với lương quản lý). Đó là chưa tính đến các khoản thưởng nếu vượt kế hoạch kinh doanh. Riêng Ban Kiểm soát thì hưởng 80-90% lương của Cấp quản lý.