Tập đoàn cao su Việt Nam chào bán hơn 475 triệu cổ phiếu
→Tập đoàn cao su Việt Nam dự thu 12.800 tỷ đồng từ cổ phần hoá
Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), vừa công bố thông tin về đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.
Cụ thể, đợt chào bán cổ phần VRG sẽ được tổ chức cho các nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá tại điểm đăng ký là công ty chứng khoán làm đại lý đấu giá của HoSE, kể từ ngày 8 - 25.1.2018. Dự kiến, phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của VRG sẽ diễn ra vào ngày 2.2.2018, với giá khởi điểm 13.000 đồng/CP
VRG hiện là một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất cả nước. Theo công bố trước thềm IPO, VRG đang quản lý quỹ đất lên tới 519.900 ha gồm 501.300 ha đất nông nghiệp và 18.600 ha đất phi nông nghiệp tại hàng chục tỉnh, thành phố trên cả nước và cả tại Lào, Campuchia. Trong đó, quỹ đất của công ty mẹ là 239.500 ha đất nông nghiệp và 4.800 ha đất phi nông nghiệp, phân bổ tại 18 tỉnh, thành phố.
Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG, cho biết, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đã được phê duyệt và sẽ được triển khai bắt đầu từ ngày 19/1 - 29/3/2018. Song song đó, cuối tháng 3/2018 sẽ thực hiện tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Mặt khác, phương án cổ phần hóa VRG đã được phê duyệt, đòi hỏi phải cơ cấu sau cổ phần hóa với tỷ lệ sở hữu Nhà nước vẫn bảo đảm chiếm tỷ lệ chi phối.
Theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt thì cơ cấu sau cổ phần hóa, tỷ lệ sở hữu Nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ chi phối là 75%. Việc bán 25% cổ phần, tương đương 1 tỷ cổ phiếu VRG dự kiến sẽ thu về 13.000 tỷ đồng.
Về cao su thiên nhiên, ước đến năm 2020, Tập đoàn duy trì tổng diện tích trồng cao su khoảng 400.000 ha và sản lượng khai thác cao su tự nhiên đến năm 2020 ước đạt trên 410.000 tấn. VRG hiện có 40 nhà máy và xưởng chế biến mủ cao su. Riêng trong năm 2017, thanh lý gỗ mang lại cho VRG khoảng 2.600 tỷ đồng.
Nói về thế mạnh của Tập đoàn, lãnh đạo VRG cho biết, các đơn vị trực thuộc VRG có lợi thế hơn so với doanh nghiệp bên ngoài nhờ nguồn nguyên liệu đầu vào là cây cao su thanh lý. Về giá thành sản xuất, các doanh nghiệp chế biến gỗ có lợi thế trong việc khống chế giá thành do chủ động được đầu vào. Theo cơ chế về gỗ thanh lý thì 70% Tập đoàn ưu tiên bán cho các công ty nội bộ, 30% sẽ cho đấu giá rộng rãi ra ngoài thị trường để xác lập giá gỗ.
Bên cạnh đó, khu công nghiệp do VRG quản lý chuyển từ đất trồng cao su sang, do đó chi phí đầu tư rẻ và triển khai giao đất nhanh. Hiện nay, VRG quản lý 13 KCN, tổng diện tích cho thuế 6.000 ha, đã cho thuê 3.000 ha.
Nguồn Báo Chính phủ