Tập đoàn Canada muốn tham gia Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong 8 tỷ USD
“Để có cơ sở báo cáo Bộ Công thương trước khi đồng ý chủ trương cho Tập đoàn Malaric tham gia đầu tư Dự án, Petrolimex đề nghị Công ty Malaric Việt Nam thu xếp thời gian, trao đổi với Petrolimex để tìm hiểu thêm thông tin về Dự án, cũng như giới thiệu năng lực, kinh nghiệm và khả năng tham gia đầu tư Dự án của Tập đoàn Malaric (Canada). Tuy nhiên, tới nay, Petrolimex chưa tiếp xúc với Tập đoàn Malaric, do đó, chưa có các thỏa thuận nào về hợp tác và đầu tư trong Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong”, ông Khánh cho biết.
Ở một khía cạnh khác, Malaric có vẻ không phải là cái tên quen thuộc trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Tìm kiếm từ khóa “Malaric” trên Internet không cho ra những kết quả như thường thấy ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí.
Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương và giao Petrolimex lập dự án đầu tư, cũng như cân nhắc việc lựa chọn đối tác nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm, có cam kết cung cấp nguyên liệu dầu thô dài hạn cho Nhà máy tham gia đầu tư Dự án. Dự án được đưa vào Danh mục Dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020 theo Quyết định 631/2014/QĐ-TTg.
Ngay Bộ Công thương trong nhiều cuộc họp Ủy ban Liên chính phủ đều đề nghị các nước khuyến khích nhà đầu tư xem xét, hợp tác đầu tư vào Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong. Mới đây, tại cuộc họp Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam với Các Tiểu vương quốc Ả Rập (tháng 4/2014), đề nghị này cũng được Bộ Công thương nhắc lại. Tuy nhiên, tới nay, chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào, kể cả doanh nghiệp của Các Tiểu vương quốc Ả Rập tiến hành gặp gỡ và trao đổi với Petrolimex để tìm hiểu Dự án.
Trước đó, cuối năm 2011, Tập đoàn Daelim Industrial (Hàn Quốc) đã đàm phán với Petrolimex để đầu tư vào Dự án Nam Vân Phong. Hai bên cũng đã ký biên bản ghi nhớ về việc đầu tư dự án này.
Theo ông Khánh, Petrolimex và Tập đoàn Dealim đã ký hợp đồng với Công ty Tư vấn Nexant để thực hiện Dự án nghiên cứu khả thi và đã hoàn thành cuối năm 2013. Đây là cơ sở để Petrolimex, Dealim xem xét, đánh giá dự án và trao đổi chi tiết, cụ thể với các đối tác đầu tư quan tâm.
“Hiện Petrolimex và Dealim đã tiếp xúc với nhiều đối tác để thảo luận hợp tác, liên doanh phát triển Dự án, kể cả các nhà đầu tư tài chính. Tuy nhiên, do có thỏa thuận về giữ bí mật với một số đối tác có tiềm năng, nên chưa thể công bố tên của các đối tác mà Petrolimex và Dealim đang đàm phán”, ông Khánh nói.
Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong có quy mô xấp xỉ 5 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm, với tổng mức đầu tư ước tính 8 tỷ USD. Để có mặt bằng cho Dự án, công tác khảo sát, đo đếm đất đai, xác định mức đền bù để giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, xác định chuyển đổi công việc… cho các hộ dân sống trên khu vực Dự án đã được UBND tỉnh Khánh Hòa hoàn thành trong năm 2013.
Phía Petrolimex cũng cho hay, do đây là dự án lớn về quy mô đầu tư, vốn đầu tư, kỹ thuật cao, dài hạn và Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương thực hiện Dự án theo hình thức liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm, tài chính, có cam kết cung cấp nguyên liệu dầu thô dài hạn cho Dự án, nên Petrolimex xác định thực hiện dự án theo hình thức như Chính phủ đã phê duyệt, chứ không tự đầu tư như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
“Là một dự án thuộc lĩnh vực kỹ thuật cao, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, có quy mô đầu tư và vốn đầu tư lớn, nên Petrolimex và các đối tác đều mong muốn được Chính phủ xem xét, chấp thuận cho Dự án được hưởng các chính sách ưu đãi theo thông lệ các dự án cùng loại, như Dung Quất, Nghi Sơn hay Vũng Rô đang được áp dụng”, nguồn tin từ Petrolimex cho biết.
Nguồn Báo Đầu Tư