Thứ Tư | 13/06/2012 21:14

Tạo sao vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% dù thấy trước khó khăn?

Từ tháng 10/2011, Bộ Kế hoạch Đầu tư cảnh báo Chính phủ tình hình kinh tế khó khăn. Song, Bộ vẫn tham mưu Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%.
Tại phiên trả lời chất vấn chiều nay (13/6), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tháng 8/2011, Bộ đã tiến hành khảo sát, thống kê số doanh nghiệp gặp khó khăn. Đến đầu tháng 10/2011, Bộ báo cáo Chính phủ kết quả điều tra, trong đó cho biết số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động đã tăng 24,8% so với năm 2010 và nhận định tình hình kinh tế có những diễn biến khó khăn nhất định, trong đó có việc tồn kho tăng lên.

Trước vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) chất vấn, tại sao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà đứng đầu là Bộ trưởng Vinh khi đã thấy trước khó khăn của nền kinh tế nhưng vẫn tham mưu cho Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2012 (theo Nghị quyết 01 ban hành ngày 3/1/2012 - 3 tháng sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình).

"Đến báo cáo ngày 11/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng với khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước, mục tiêu 6 - 6,5% là khó có thể đạt, Bộ dự báo tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,5 - 6% trong năm 2012. Vậy dự báo này có cơ sở hay không?", đại biểu Ngân nêu ý kiến.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Vinh cho biết, dù đã nhìn thấy dấu hiệu khó khăn từ cuối năm 2011, nhưng Chính phủ nhận định rằng, nếu không đạt được mục tiêu 6% thì sẽ gặp khó khăn cho việc tạo ra việc làm mới, số doanh nghiệp giải thể gia tăng.

"Chính phủ đã tính toán, để đạt được mục tiêu 6% thì lạm phát sẽ ở khoảng dưới 10%. Tuy nhiên, vừa qua do quyết liệt kiềm chế lạm phát nên 6 tháng đầu năm, chỉ tiêu này chỉ xấp xỉ 3%, cả năm không thể đạt 10%, do vậy đã kéo theo việc tăng trưởng kinh tế suy giảm", ông Vinh nói.

Ngoài ra, tín dụng theo mục tiêu đề ra phải tăng 15 - 17% trong cả năm, song sau 5 tháng chỉ tiêu này vẫn âm 0,83% (theo báo cáo của Chính phủ được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc hôm khai mạc kỳ họp). Việc dòng vốn tín dụng bị thắt chặt đã ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp và mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Nếu bây giờ Chính phủ chấp nhận kích cầu hợp lý thì có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6%, song việc này rất khó khăn, Bộ trưởng cho biết thêm.

Nguồn Lược ghi từ Quốc hội


Sự kiện