A.I không chỉ là ván cược của một tập đoàn công nghệ như FPT mà cũng là ván cược để Việt Nam tạo ra sự đột phá trong tăng trưởng bằng công nghệ. Ảnh: TL
Tạo ra giá trị của Việt Nam
Nhớ lại, trong giai đoạn 2015-2017, doanh thu của Masan Consumer liên tục đi ngang quanh mức 13.000 tỉ đồng. Bước ngoặt đến từ năm 2018, khi chiến lược cao cấp hóa sản phẩm được đẩy mạnh, cũng là thời điểm đánh dấu sự xuất hiện của những sản phẩm mì gói cao cấp. Công ty này đặt mục tiêu mở rộng thị trường từ 1 tỉ USD của ngành hàng mì ăn liền lên 17 tỉ USD của ngành hàng thay thế bữa ăn tại nhà. Bí mật của mục tiêu tham vọng này cũng như chiến lược cao cấp hóa của Masan Consumer là việc liên tục ra mắt sản phẩm hoàn toàn mới với công nghệ lần đầu có mặt tại Việt Nam như lẩu tự sôi, cơm tự chín...
Bà Lê Thị Nga, Giám đốc R&D của Masan Consumer, cho biết Công ty có thể ra mắt sản phẩm mới trong vòng 2 tháng với đội ngũ này. Mặc dù ngân sách cho R&D không lớn nhưng Masan Consumer có lợi thế của đội ngũ hiểu người tiêu dùng trong nước. “Hiểu ngôn ngữ của người tiêu dùng đã giúp Công ty ngay lập tức có sự điều chỉnh phù hợp cho sản phẩm. Chúng tôi tự tin sẽ thành công vì đã có trong tay công thức thành công”, bà Nga nói.
Có thể thấy, đầu tư cho R&D đã mang lại lợi thế cạnh tranh cho Masan Consumer cũng như nhiều thương hiệu Việt Nam khác trước các đối thủ nước ngoài. Cùng với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng sản xuất thế giới, Việt Nam đang thu hút những thương hiệu đa quốc gia trong nhiều lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao. Điều này giúp Việt Nam đứng trước cơ hội đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Mặt khác, cũng đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp trong đổi mới và sáng tạo để liên tục tạo ra sức mạnh cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ, nền tảng kinh doanh... với ưu thế am hiểu người tiêu dùng trong nước.
“Công nghệ đã giúp chúng tôi vượt qua và sống sót một cách thần kỳ trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19. Và giờ đây, công nghệ vẫn là yếu tố đi đầu trong việc cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe”, bà Nguyễn Đỗ Quyên, Phó Tổng Giám đốc FPT Retail, khẳng định. Thay vì chỉ tập trung xây dựng nền tảng bán hàng, hệ thống Long Châu đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) để nâng cao trải nghiệm người dùng.
Với độ nhận diện chính xác lên đến 98%, A.I hỗ trợ người dùng thiết lập lịch uống thuốc và nhắc nhở theo liệu trình điều trị, góp phần giúp bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị một cách hiệu quả và thuận tiện hơn. Đây là động lực chính giúp Long Châu tiếp tục là mũi nhọn tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận của FPT Retail, bù đắp cho sự khó khăn khi doanh thu mảng ICT đi xuống. Trong năm 2024, khi các đối thủ chính phải thu hẹp quy mô hoạt động thì Long Châu vẫn tiếp tục bành trướng với tốc độ mở mới trung bình đạt 40-50 cửa hàng trên 1 tháng.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, A.I được kỳ vọng là bước đột phá của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, Tiến sĩ Đinh Lê Đạt, Chủ tịch Công ty Antsomi, dẫn số liệu của Shopify dự báo rằng trong 2-3 năm tới, các doanh nghiệp bán lẻ trên toàn cầu sẽ không cạnh tranh bằng ngân sách marketing, số lượng cửa hàng offline mà cạnh tranh ở trải nghiệm khách hàng, dữ liệu khách hàng. “Những doanh nghiệp có thể thu thập lượng lớn dữ liệu khách hàng và phân tích chúng để tạo ra những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa hoạt động sẽ dẫn đầu và chiếm lĩnh thị trường”, Tiến sĩ Đạt nhận định.
Trí tuệ nhân tạo cũng là ván cược lớn của FPT khi không chỉ hỗ trợ cho FPT tăng trưởng mà hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để tăng trưởng. ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT, khẳng định cho ván cược của Tập đoàn vào lĩnh vực “A.I - Bán - Xe - Số - Xanh”. Trong đó, A.I được kỳ vọng sẽ tạo ra những lợi thế cạnh tranh khác biệt để FPT nhanh chóng hoàn thành mục tiêu 5 tỉ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài vào năm 2030 và nâng cao vị thế trong nhóm doanh nghiệp công nghệ thông tin tỉ USD trên toàn cầu.
A.I không chỉ là ván cược của một tập đoàn công nghệ như FPT mà cũng là ván cược để Việt Nam tạo ra sự đột phá trong tăng trưởng bằng công nghệ, bằng nền tảng của kinh tế số. Theo nghiên cứu của Google, nếu các công cụ A.I được áp dụng rộng rãi, công nghệ này có thể mang lại lợi ích kinh tế ước tính lên tới gần 80 tỉ USD cho các doanh nghiệp vào năm 2030. Con số này tương đương gần 12% GDP của Việt Nam vào năm 2030.
“Để tối đa hóa lợi ích kinh tế từ A.I, Việt Nam cần ưu tiên phát triển lực lượng lao động số. Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng số thông qua đào tạo chuyên sâu và ứng dụng công nghệ sẽ mở ra tiềm năng kinh tế lớn cho đất nước”, Tổng Giám đốc FPT nhận định.