Tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường trái phiếu Việt Nam
Theo Thứ trưởng, 5 năm qua, những trở ngại về kinh tế vĩ mô, thanh khoản thị trường tài chính khiến thị trường TPCP có lúc thăng lúc trầm. Năm 2009 quy mô thị trường ở mức 17 tỷ USD, đến cuối 2014 ước tính quy mô có thể lên tới 43 tỷ USD, tính theo dư nợ outstanding (đang lưu hành) của TPCP.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, vẫn còn một số nội dung kỹ thuật khá chi tiết và khó đối với thị trường trái phiếu Việt Nam như việc tạo lập đường cong lãi suất, cơ chế giá hai chiều, hình thành hệ thống các nhà tạo lập thị trường.
Thực tế cho thấy sản phẩm của thị trường trái phiếu Việt Nam còn nghèo nàn, chưa đa dạng, chủ yếu sản phẩm là trái phiếu kỳ hạn trả hàng năm, đáo hạn một lần, các công cụ khác chưa có điều kiện giới thiệu và phát triển.
Kỳ hạn trái phiếu cũng chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là ngắn hạn dưới 5 năm, trong khi đó nhu cầu huy động nguồn lực dài hơn cho đầu tư phát triển, để đỡ bị động cân đối ngân sách Nhà nước.
Cho đến giờ phút này chưa thể nói là thị trường trái phiếu Việt Nam đã có đường cong chuẩn để làm chuẩn mực cho thị trường nợ.
Trên 80% dư nợ trái phiếu hiện do các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại nắm giữ, các quỹ đầu tư, bảo hiểm tham gia thị trường tích cực nhưng quy mô tài chính, năng lực đầu tư còn hạn chế, những điều này ảnh hưởng tới tính bền vững, phát triển hiệu quả của thị trường trái phiếu.
Yếu tố kinh tế vĩ mô, tính thanh khoản của thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng vẫn là những yếu tố tiềm ẩn tác động tới thị trường trái phiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Ngoài ra, yêu cầu về công khai minh bạch, đối thoại chính sách cũng đã triển khai nhưng chưa được nhiều.
Việc xác định định mức tín dụng của các công cụ nợ, nhà phát hành đến nay vẫn chưa làm được. Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành nghị định về tổ chức định mức tín nhiệm. Bộ trưởng Tài chính đã ký tắt nghị định này và hy vọng sẽ được ban hành vào cuối tháng này hoặc muộn nhất là đầu tháng sau, trên cơ sở đó sẽ có giải pháp để hình thành tổ chức định mức tín nhiệm, đánh giá rủi ro công cụ nợ và tổ chức phát hành để tăng niềm tin cho nhà đầu tư.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng lưu ý việc cần tái cơ cấu hoạt động thị trường trái phiếu, tiếp tục giới thiệu sản phẩm mới, cơ cấu lại công cụ nợ đã có, mở rộng các nhà đầu tư có tổ chức, tái cơ cấu lại thị trường... Chẳng hạn như giới thiệu triển khai các sản phẩm phái sinh liên quan tới trái phiếu chính phủ, từng bước đưa thị trường phái sinh vào hoạt động.
Ngoài ra cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng về giao dịch, lưu ký thanh toán bù trừ với thị trường trái phiếu, cung cấp thông tin trực tuyến, giao dịch trực tuyến tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường trái phiếu Việt Nam.
Nguồn Theo DVO