Thứ Năm | 19/06/2014 13:03

Tăng tỷ giá, ngân hàng thiệt do đang âm trạng thái ngoại tệ

Các TCTD đang âm trạng thái ngoại tệ nên việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến chi phí tài chính của các đơn vị này.
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) khi trao đổi nhanh với báo chí sáng nay 19.6.

Thưa bà, Ngân hàng Nhà nước dự báo như thế nào về tác động tăng tỷ giá lần này đến diễn biến kinh tế vĩ mô?

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Từ đầu năm đến nay, kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng có nhiều diễn biến tích cực. Việc điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần tích cực vào thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ: mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm so với cuối năm 2013; ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước bỏ trần lãi suất với kỳ hạn trên 6 tháng thì mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng cũng vẫn rất ổn định và không có sự cạnh tranh lôi kéo người gửi tiền lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng. Chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, CPI tháng 5 chỉ tăng 0,2% so với tháng 4, tăng 1,08% so với cuối năm 2013, so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát tăng 4,72%.

Trên thị trường ngoại hối, cung cầu ngoại tệ được đảm bảo. Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Ngày 18/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng cho ngày 19/6/2014 từ mức 21.036 VND/USD lên 21.246 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%). Với biên độ tỷ giá +/- 1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.458 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.034 VND/USD.

Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp trong 5 tháng đầu năm và tỷ giá đã duy trì ổn định trong gần một năm qua, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá nhằm góp phần hỗ trợ xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sau khi điều chỉnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp và công cụ để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối trên mặt bằng giá mới.

Trong bối cảnh cung cầu ngoại tệ được ổn định, đảm bảo, tại sao Ngân hàng Nhà nước lại có quyết định điều chỉnh tỷ giá?

Trong những tháng đầu năm 2014, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định, cung cầu ngoại tệ vẫn đảm bảo (5 tháng đầu năm cả nước xuất siêu 1,6 tỷ USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư trên 10 tỷ USD), điều đó cũng giúp cho Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng ngoại tệ lớn tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục là 35 tỷ USD.

Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước ngày 18/6 và có hiệu lực từ ngày 19/6 sẽ giúp hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra.

Trên thực tế, sức cầu và sức hấp thụ của nền kinh tế còn thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn, trong khi đó xuất khẩu vẫn đang khả quan, 5 tháng đầu năm xuất khẩu tăng 15,4%, cho nên việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ góp phần hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra.

Trong điều kiện lạm phát ở mức thấp, CPI tháng 5 chỉ tăng 1,08% so với cuối năm 2013 thì việc điều chỉnh tỷ giá lần này không đáng lo ngại đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đề ra.

Theo bà tác động điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ thế nào đối với doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng?

Định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó có định hướng điều hành tỷ giá đã được Ngân hàng Nhà nước đề ra và thông báo ngay từ đầu năm. Do đó, bản thân các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng đã cân nhắc đến những định hướng này trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình.

Đối với các tổ chức tín dụng, qua theo dõi, trong những tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã tăng cường bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước, nguồn ngoại tệ các tổ chức tín dụng bán cho Ngân hàng Nhà nước không chỉ từ nguồn ngoại tệ mua được của doanh nghiệp và người dân, mà còn bán âm trạng thái ngoại tệ của mình. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng ngoại tệ rất lớn để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước (5 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước mua được trên 10 tỷ USD).

Theo số liệu tổng hợp từ các tổ chức tín dụng, hệ thống hiện nay đang có trạng thái ngoại tệ âm, việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ ảnh hướng đến chi phí tài chính của hệ thống các tổ chức tín dụng, tuy nhiên điều chỉnh tỷ giá sẽ góp phần hỗ trợ xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo điều kiện ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.

Định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm của Ngân hàng Nhà nước như thế nào?

Trong những tháng tiếp theo của năm 2014, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, đồng thời bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động kết hợp đồng bộ, linh hoạt các công cụ và giải pháp chính sách để điều tiết thị trường tiền tệ, ngoại hối hợp lý, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.

Nguồn Báo Đầu Tư


Sự kiện