Ảnh minh họa: Getty Images

 
Nhật Anh Chủ Nhật | 04/12/2022 19:30

Tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm tốc trong quý IV

Theo dự báo của giới phân tích, quý IV/2022 tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ giảm tốc và kéo tăng trưởng cả năm 2022 xuống mức 14% so với cùng kỳ.

Theo Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng 16,0% so với cùng kỳ lên 312,9 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm 2022 nhờ mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021 do gián đoạn sản xuất bởi đại dịch COVID-19, giá xuất khẩu tăng trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới tăng cao và nhiều đơn hàng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng bởi chính sách Zero-COVID và tình trạng thiếu điện tại miền Nam Trung Quốc.

Hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng khả quan trong 10 tháng đầu năm 2022, dẫn đầu là Nhật Bản với mức tăng trưởng 26,8% so với cùng kỳ, 6 nước Châu Âu (gồm Hà Lan, Đức, Anh, Italia, Bỉ và Pháp) ghi nhận tăng 26% so với cùng kỳ, trong khi khối ASEAN đạt mức tăng 23,2% so với cùng kỳ.

 

Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông chỉ tăng khiêm tốn 4,9% so với cùng kỳ. Xét về nhóm hàng xuất khẩu, top 10 mặt hàng xuất khẩu chứng kiến tăng trưởng mạnh nhất trong 10 tháng đầu năm 2022 gồm phân bón (+156,6% so với cùng kỳ); than đá (+98,7% so với cùng kỳ); đồ chơi, dụng cụ thể thao và phụ kiện (+49,2% so với cùng kỳ); giày dép (+41,4% so với cùng kỳ); hóa chất (+40,6% so với cùng kỳ); túi xách, ví, vali, ô dù (+40,0% so với cùng kỳ), dầu thô (+39,8% so với cùng kỳ), đá quý và kim loại quý (+38,3% so với cùng kỳ).

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam tăng 12,5% so với cùng kỳ lên 303,3 tỉ USD, giúp thặng dư thương mại đạt 9,6 tỉ USD trong 10T22 (so với mức thâm hụt 0,6 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm 2021). 

 

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán VNDirect, việc tăng nhập khẩu mặt hàng hàng điện tử và linh kiện nhằm đảm bảo cho việc mở rộng sản xuất của Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, tăng trưởng nhập khẩu xăng dầu và dầu thô đa phần là do giá tăng.

VNDirect cho rằng xuất khẩu của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng tiêu cực do sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu kể từ tháng 8. Cả Mỹ và EU đều đang thắt chặt chính sách tiền tệ, kéo theo tăng trưởng, việc làm và nhu cầu tiêu dùng suy yếu, trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc chưa cho thấy tín hiệu rõ ràng là “đã thoát đáy” (doanh số bán lẻ kém khả quan trong ngày “độc thân 11/11”, ngày lễ mua sắm lớn nhất hàng năm). 

Do đó, VNDirect dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý IV/2022 và kéo tăng trưởng cả năm 2022 xuống mức 14% so với cùng kỳ. Trong khi đó, công ty chứng khoán này dự báo nhập khẩu sẽ tăng 12% so với cùng kỳ trong năm 2022, mang lại thặng dư thương mại 10,4 tỉ USD (so với mức thặng dư thương mại 3,3 tỉ USD của năm 2021).

Có thể bạn quan tâm 

Bình quân một tháng có 17.700 doanh nghiệp thành lập và quay trở lại