Nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: Quý Hòa
Tăng trưởng vấp sức ì cải cách
Trong sự hân hoan về thành tích tăng trưởng GDP đạt 7,08% sau 6 tháng đầu năm, những điểm mờ của kinh tế Việt Nam vẫn được nhìn nhận chính xác. Ngoài câu chuyện đã cũ về vai trò chưa thể thay thế của Samsung và Formosa, đang giữ mức đóng góp 28% vào giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, thì sức ì trong cải cách môi trường kinh doanh đã xuất hiện và ngày càng lớn.
Đầu tiên, cũng cần phải nói rõ rằng, nếu chỉ đặt những mục tiêu Nghị quyết 19-2018/NQ-CP ngày 15.5.2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, là không quá khó.
Dù về yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh, hết quý II, mới có 378 điều kiện được thực sự bãi bỏ trên tổng số hơn 3.000 điều kiện, còn xa mới đạt được mục tiêu cắt giảm 50% như yêu cầu của Chính phủ; yêu cầu cắt giảm 50% danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành đã được thực hiện nhưng chưa đồng đều, chỉ tập trung ở một số ít bộ, ngành.
Đó là chưa kể, chỉ với thành tích như hiện tại, mục tiêu về tăng 8-18 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số thuận lợi trong kinh doanh EDBI năm 2018 của World Bank cũng không quá xa tầm với. Bởi lẽ, năm 2017, nền kinh tế Việt Nam đã tăng liền một mạch 14 bậc trong bảng xếp hạng này, dù nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa được ghi nhận và tính điểm. Trong cách đánh giá này, Việt Nam đang có nhiều hạng mục đứng ở thứ hạng rất thấp, đồng nghĩa, còn rất nhiều dư địa để thăng hạng.
Gợi ý mở cho nhận định này nằm ở chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Đó là tình trạng “chưa làm tới nơi tới chốn, sợ trách nhiệm, né trách nhiệm”, “trên nóng dưới lạnh”, “cán bộ mà cứ ôm vào mình quyền lợi không chính đáng”... Sự thẳng thắn đã được ghi nhận nhưng để thay đổi, cần phải vượt qua nhiều trở lực. Đối với các mục tiêu cải thiện năng lực ngành du lịch thêm 10 bậc; cải thiện Chỉ số Hiệu quả Logistics thêm khoảng 10 bậc…, lời giải nằm ở xu hướng duy trì hàng trăm tỉ đồng đầu tư vào hạ tầng giao thông với các đại dự án đường cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc ven biển và đường sắt tốc độ cao cùng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tiếp cận theo cách này, trăn trở về sức ì của cải cách phải được hiểu theo một nghĩa rộng hơn.
Thứ nhất, nghịch lý nằm ở chỗ bộ máy công quyền quá cồng kềnh, dư thừa nhiều vị trí. Với cách đánh giá cán bộ như hiện tại, sự “mẫn cán” gây nên ma trận điều kiện kinh doanh rất nhiều lại được đánh giá là nhiệt huyết, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điều này đặt ra hai yêu cầu đã được nói đi nói lại quá nhiều: một là tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực của bộ máy công quyền; hai là có chế tài xử lý nghiêm chủ nhân của các điều kiện kinh doanh phi thực tế, hành doanh nghiệp.
Quan trọng hơn, tư duy quản lý kinh tế trong bộ máy công quyền vẫn nặng nề tính bao cấp, không còn phù hợp với một nền kinh tế thị trường như hiện nay. Không chỉ là chuyện gửi gắm con ông, cháu cha, đó còn là tư duy ban phát, xin cho, tư duy ôm đồm quản lý… Như vậy, sức ì nằm chính ở tư duy con người. Và dù lạc quan đến đâu, chúng ta đều phải thừa nhận rằng, thay đổi sức ì trong tư duy, đổi mới tư duy là không dễ, nếu không nói thẳng ra là quá khó.
Vậy động lực nào giúp giải phóng sức ì? 2018 sẽ là năm doanh nghiệp Việt Nam có khả năng mở rộng thâm nhập vào thị trường khu vực và thế giới. Cổ phần hóa doanh nghiệp được đẩy mạnh trong năm 2018 và phát triển khu vực tư nhân sẽ là các động lực giúp tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Các cải cách về môi trường kinh doanh vì thế sẽ trở thành động lực quan trọng nếu được thực thi hiệu quả.
Trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam, nhắc lại quan điểm về một nền kinh tế phải được vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Ở đó, các hoạt động kinh doanh được thực hiện bởi giới doanh nghiệp, bình đẳng trong cơ hội tiếp cận thị trường vốn, thị trường công nghệ, thị trường lao động và thị trường sản phẩm.
Ông Lê Cao Đoàn thẳng thắn cho rằng: “Khi và chỉ khi lợi nhuận mới được tạo thành nhờ vào năng lực kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế, chứ không phải cuộc chạy đua chiếm đất, chạy dự án… thì nền kinh tế mới có được động lực lành mạnh. Ngược lại, hoạt động kinh doanh là lợi dụng cơ chế này để can thiệp vào thị trường thì doanh nhân chỉ căng mắt ra tìm người đỡ, chống lưng. Nếu vậy, không ai có thể hay muốn kinh doanh nữa?”.
Theo lý thuyết này, sẽ phải nhìn nhận lại các nhóm doanh nghiệp hiện hữu. Đối với khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thay đổi ưu thế mang tính bản chất của họ là chuyện không nên đặt ra.
Thay vào đó, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giảm thiểu ưu đãi trong tiếp cận nguồn lực của nhóm doanh nghiệp này để phân bổ lại cho khối tư nhân. Đặc biệt, ngăn chặn nguy cơ biến tướng, doanh nghiệp nhà nước chuyển quyền lợi cho doanh nghiệp thân hữu, tạo nên sự cấu kết công - tư, tạo nên các mô hình nửa tư nhân nửa nhà nước trá hình, tận dụng lợi thế để chiến thắng trong cạnh tranh.
Đối với nhóm doanh nghiệp FDI, hạn chế cấp thêm đặc quyền đặc lợi, mà thay vào đó dùng quyền mặc cả của nước chủ nhà để giúp doanh nghiệp 100% vốn trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của họ. Ngoài ra, thay vì trông chờ vào số lượng và số vốn của nhóm này, ưu tiên hơn vào việc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư có thể góp phần nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế và có sức lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác.
Có lẽ cách tiếp cận trên sẽ giúp giải quyết vấn đề một cách thực chất hơn. Khi nền kinh tế tuân thủ các chuẩn mực của nền kinh tế thị trường, tự nó đã là mảnh đất lành màu mỡ cho những doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển lớn mạnh.